Kinh nghiệm nhập định trong khi đả tọa



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org] Gần đây tôi thường chia sẻ với các đồng tu về trải nghiệm tiến nhập vào trạng thái định trong khi ngồi đả tọa. Nay xin viết lại một số kinh nghiệm để chia sẻ với các đồng tu. Xin chỉ ra những chỗ nào chưa phù hợp.

Khi mới đắc Pháp, tôi có thể ngồi song bàn và nhập tĩnh khá dễ dàng. Thậm chí trước khi tu luyện tôi cũng có thể nhập tĩnh khá dễ dàng. Theo thể ngộ của tôi thì điều này có được là do các kiếp trước tôi đã từng tu luyện. Sau này tôi nhận ra rằng mặc dù tâm trí tôi cơ bản là trống rỗng nhưng thực ra tôi đã ngủ lúc nào không biết, do đó việc đả tọa của tôi đã không đạt được hiệu quả thanh lý bản thể. Khi bắt đầu đảm nhận thêm nhiều hạng mục thì tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi. Tôi nhận ra rằng mình đang đi theo an bài của cựu thế lực. Phó nguyên thần đang lợi dụng cơ thể của tôi để tu luyện.

Để chính lại tình trạng này, tôi đã bắt đầu điều chỉnh lại tư thế của mình. Khi phó nguyên thần tu luyện thì cơ thể phải ở tư thế càng thoải mái càng tốt. Chủ nguyên thần phải thực sự thả lỏng để “hắn ta” luyện. Ngồi đả tọa cong lưng một cách thoải mái thật ra là biểu hiện của chủ ý thức không thanh tỉnh. Vì vậy tôi đã cố gắng duy trì tư thế “lưng ngay cổ thẳng”.

Duy trì ở tư thế này mà không buông lơi trong một tiếng đồng hồ quả thực không dễ chút nào.

Trong Chuyển Pháp Luân, Sư phụ giảng:

Thông thường khi chúng ta sắp thông đại chu thiên, sẽ xuất hiện một trạng thái này, có người khi ngồi đả tọa thân thể cứ ngả về phía trước. Đó là vì phía lưng thông được tốt, [phía] lưng rất nhẹ nhàng, phía trước cảm thấy nặng; có người ngả về sau, chính là phía lưng thì nặng, phía trước thì nhẹ. Nếu như chư vị thật sự thông tốt được toàn bộ rồi, như thế chư vị sẽ xóc cất lên, cảm thấy như tự mình có thể nâng [người] lên, có cảm giác rời khỏi mặt đất. Một khi thật sự có thể [bay] lên, thì sẽ không cho phép chư vị [bay] lên; tuy nhiên cũng không tuyệt đối.

Thể ngộ của tôi là lưng gập xuống, ngả về trước hay ngả về sau đều là do nghiệp lực. Chỉ khi loại bỏ được nghiệp lực này thì đại chu thiên mới có thể khai mở được. Cơ thể sẽ nâng lên một cách tự nhiên và người ta có thể duy trì dễ dàng tư thế “lưng ngay cổ thẳng”. Vì thế tôi đã loại trừ tư tưởng ngồi một cách thoải mái. Khi ở trong tư thế “lưng ngay cổ thẳng”, tôi cố gắng không động đậy. Tuy nhiên, cảm giác nóng ruột cứ nổi lên. Chân tôi chưa khi nào đau như thế trong suốt một tiếng đả tọa, nhưng bây giờ chúng đã bắt đầu đau chỉ sau nửa giờ luyện. Đôi khi đau như khoan vào tim. Tư thế đả tọa thoải mái trước kia giờ đây trở thành một sự cám dỗ lớn, và tôi muốn từ bỏ ngay trạng thái ngồi đả tọa thẳng như một chiếc bút thế này. Ít nhất thì tôi cũng muốn nhúc nhích cơ thể một chút. Trong tình trạng này thì không thể nào nhập tĩnh được. Tâm trí tôi như là một dòng sông cuồn cuộn, và mọi thứ đều nổi lên bề mặt. Đôi khi để tránh không cảm thấy sốt ruột, tôi sẽ nghĩ về những chuyện khác để tâm trí không tập trung vào nỗi đau đớn. Tôi cố gắng chăm chú lắng nghe nhạc nền, nhẩm “Luận Ngữ” hoặc “Hồng Ngâm” trong đầu, hoặc cố gắng loại trừ các tư tưởng sốt ruột đó, đôi khi cũng có tác dụng nhưng về cơ bản không giải quyết được vấn đề.

Sư phụ giảng trong Đại Viên Mãn Pháp:

Pháp Luân Đại Pháp nhắm thẳng vào chủ ý thức mà tu luyện; người tu luyện cần tu tâm của mình một cách tỉnh táo, vứt bỏ hết thảy các chấp trước, đề cao tâm tính của bản thân mình. Trong khi luyện công Đại Viên Mãn Pháp không được mơ mơ tỉnh tỉnh, không được quên [tự] ngã, lúc nào cũng do chủ ý thức chi phối bản thân mình luyện công.

Thể ngộ của tôi là, nếu một người không thể nhập tĩnh trong khi đả tọa thì đó là do các chấp trước, nghiệp lực, hoặc cựu thế lực can nhiễu. Nếu không thể nhập tĩnh thì phải tận dụng cơ hội này để tu và loại bỏ chấp trước. Đối với các thứ khởi lên trong tâm trí, chúng ta không được thuận theo mà còn phải đào sâu xem chấp trước nào đang dẫn khởi bản thân không thể buông bỏ được. Hãy tìm ra chấp trước đó và nói với nó rằng: “Ta là một đệ tử Đại Pháp. Chấp trước này không phải bản thân ta. Ta không muốn nó”. Hãy duy trì chính niệm mạnh mẽ này. Khi một quan niệm nào đó tiến nhập vào tâm trí thì hãy loại bỏ nó đi ngay lập tức. Dần dần sẽ không có quan niệm nào tiến nhập được vào tâm trí nữa và chúng ta sẽ có thể nhập tĩnh một cách tự nhiên.

Trong toàn bộ quá trình này, cũng cần bất động cơ thể. Từ “tĩnh” trong “nhập tĩnh” có nghĩa là bất động. Nếu cơ thể chuyển động một chút thôi thì cũng có thể làm giảm trạng thái tĩnh. Khi cảm thấy rất đau chúng ta sẽ có thể muốn cựa quậy một chút. Thực ra cái đau không phải là nguyên nhân chính khiến người ta không thể nhập tĩnh. Mà chấp vào cái đau và không thể chịu đau chính là lý do. Vì thế, hãy cố gắng đừng nghĩ đến cái đau. Tập trung vào việc loại trừ nghiệp lực tư tưởng và không cựa quậy. Chúng ta phải nhắc bản thân rằng cái đau là để tiêu nghiệp, đó là việc tốt. Bất cứ cái đau nào đều có thể vượt qua. Một giờ không phải là thời gian dài lắm, sẽ qua đi rất nhanh.

Sau khi kiên trì trong một thời gian, tôi nhận ra rằng đả tọa trong tư thế “lưng ngay cổ thẳng” không còn khó khăn nữa. Tôi cảm thấy rất thoải mái và nhẹ nhõm khi bắt chéo chân trong khi ngồi thẳng. Sau đó tôi đã từ bỏ việc đả tọa trên ghế mềm ở công ty và thay bằng một cái ghế cứng. Tôi đã ngồi thẳng trước máy tính và bắt chéo chân, duy trì tư thế “lưng ngay cổ thẳng”. Hàng ngày, tôi cố gắng rèn luyện việc loại bỏ các quan niệm trong khi luyện công. Cứ khi nào một quan niệm nổi lên trong tâm trí thì đầu tiên tôi cân nhắc xem nó có phù hợp với nguyên lý Chân Thiện Nhẫn của Pháp không. Nếu có thì tôi sẽ cho phép nó. Còn nếu không tôi sẽ loại bỏ nó ngay. Sau một thời gian, trạng thái này đã khởi tác dụng trong việc luyện công của tôi. Việc nhập tĩnh trở nên dễ dàng hơn. Cái đau dần dần bớt đi và mọi thứ hình thành một vòng tuần hoàn tích cực đối với trạng thái tu luyện của tôi.

Trong quá trình này, có một tình huống sẽ lặp lại nhiều lần. Cứ khi mà phần tu tốt được cách khai ra rồi thì dường như chúng ta lại không thể nhập tĩnh. Vì thế kiên trì học Pháp hàng ngày là rất quan trọng. Học Pháp và tu tâm là căn bản để có thể thật sự nhập tĩnh được tốt.

Những chia sẻ trên đây là trải nghiệm của bản thân tôi tại tầng thứ hữu hạn của mình. Vui lòng chỉ ra những điều không phù hợp.

Cám ơn các đồng tu. Hợp thập!

Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7245



Ngày đăng: 31-01-2018

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.