Năm 2016-2017 trong “Thôi Bối Đồ” (1): Giới thiệu



Tác giả: Tuyết Liên

[ChanhKien.org]

Mục lục:

(1) Giới thiệu Thôi Bối Đồ

(2) Tiêu chuẩn chính giải Thôi Bối Đồ

(3) Tượng 53 trong Thôi Bối Đồ: Tập Cận Bình thay đổi triều đại?

(4) Tượng 52 trong Thôi Bối Đồ: Trung Cộng suy vong (năm 1986-2017)

(5) Thiên tượng hung hiểm năm 2016: Sao hỏa chiếm vị trí trung tâm

(6) Tội ác lớn nhất trong lịch sử

(7) Công đức vô lượng, phép tắc thịnh thế

(8) Thôi Bối Đồ triển hiện đại tội tại nhân gian: Sai lầm lớn năm 1999

(9) Tập Cận Bình và thánh nhân trong Thôi Bối Đồ

(10) Trung Hoa thịnh thế trong Tượng 59 Thôi Bối Đồ: giấc mơ Trung Quốc?

(11) Thánh nhân, thịnh thế, ấn chứng chung cuộc của Thôi Bối Đồ

(12) Công đức vô lượng, xóa bỏ tội ác thiên đại

 

Ảnh: Tượng trung tâm nhất trong Thôi Bối Đồ: Thánh nhân xuất thế, đối diện với thánh nhân.

Sấm viết:

Nhật nguyệt lệ thiên

Quần âm nhiếp phục

Bách linh lai triêu

Song vũ tứ túc

Tụng viết:

Nhi kim trung quốc hữu thánh nhân

Tuy phi hào kiệt dã chu thành

Tứ di trọng dịch xưng thiên tử

Thủ cực thái lai cửu quốc xuân.

Ngày 07 tháng 11 năm 2015, Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu mấy lần hội đàm tại Singapore, trang Weibo của Nhân Dân nhật báo ở Đại Lục đã mượn câu thơ dự ngôn trong cuốn sách tiên tri nổi tiếng thời Trung Quốc cổ đại là Thôi Bối Đồ để chạy dòng tít: “Song vũ tứ túc” – Cuộc hội đàm giữa Tập và Mã, trong đó viết rằng “song vũ” (hai cánh) là chữ “Tập” (習) phồn thể, ngụ ý là Tập Cận Bình; “tứ túc” (bốn chân) chính là chữ “Mã” (馬) phồn thể, chỉ Mã Anh Cửu,… Chỉ trong một thời gian ngắn, bài báo đã lan truyền rộng rãi trên Internet, người Trung Quốc mới kinh ngạc phát hiện một “thiên cơ” ẩn chứa trong Thôi Bối Đồ! Chẳng phải như vậy hay sao?

Sau đây chúng ta sẽ lần lượt giải khai một số Tượng liên quan đến Tập Cận Bình trong Thôi Bối Đồ, mọi người sẽ thấy rõ rằng: cách giải thích ở trên chỉ đúng có một nửa mà thôi…

I. Giới thiệu Thôi Bối Đồ

1. Dự ngôn kinh điển Thôi Bối Đồ, chuẩn xác 100%

Thôi Bối Đồ là cuốn sách tiên tri trứ danh thời Trung Quốc cổ đại, được viết thành sách vào đầu những năm đời Đường, dùng 60 Tượng đồ sấm (những lời ám chỉ, những câu đố dự ngôn) để dự đoán những sự kiện trọng đại diễn ra từ thời Đường tới nay, và cho đến cả tương lai. Chúng ta hãy xem một Tượng trong đó.

a, Dự ngôn được đọc hiểu trước thời hạn

Dự ngôn rất khó được người ta luận giải trước khi sự kiện xảy ra, thường là sau khi sự kiện xảy ra rồi người ta mới có thể nhận ra lời ám chỉ của dự ngôn. Tuy nhiên có một Tượng của Thôi Bối Đồ đã được giải trước khi sự kiện xảy ra.

 

Ảnh: Tượng 39 Thôi Bối Đồ, bản có lời bình giải của Kim Thánh Thán (1608-1661).

Sấm viết:

Điểu vô túc

Sơn hữu nguyệt

Húc sơ thăng

Nhân đô khốc

Tạm dịch:

Chim không chân

Núi có trăng

Nắng mới lên

Người đều khóc

 

Tụng viết:

Thập nhị nguyệt trung khí bất hòa

Nam sơn hữu tước Bắc sơn la

Nhất triêu thính đắc kim kê khiếu

Đại hải trầm trầm Nhật dĩ quá

Tạm dịch:

Giữa mười hai tháng khí bất hòa

Núi Nam có chim tước núi Bắc có võng la

Mai kia nghe tiếng gà vàng gáy

Biển cả thâm trầm Nhật đã qua

Tượng này dự ngôn cực kỳ rõ ràng minh hiển, hiện tại được công nhận là chỉ giặc Nhật xâm lược Trung Hoa và chuốc lấy bại vong.

– “Điểu vô túc, Sơn hữu nguyệt” (Chim không chân, Núi có trăng):

Chim bỏ chân đi, chữ “điểu” (島) bỏ phần chân còn chữ “nguyệt” (月), lại thêm chữ “sơn” (山), chính là chữ “đảo” (島), chỉ đảo quốc Nhật Bản.

– “Húc sơ thăng, Nhân đô khốc” (Nắng mới lên, Người đều khóc):

Nhật Bản xâm lược Trung Hoa bạo ngược, cờ Thái Dương đi tới đâu, người Trung Quốc khóc tới đó.

“Thập nhị nguyệt trung khí bất hòa” (Giữa mười hai tháng khí bất hòa):

Giữa 12 tháng là tháng 06 Hán lịch, đêm ngày 07 tháng 07 năm 1937 (lục nguyệt sơ nhất), xảy ra biến cố cầu Lư Câu, quân Nhật toàn diện xâm lược Trung Quốc.

“Nam sơn hữu tước Bắc sơn la” (Núi Nam có chim tước núi Bắc có võng la):

Trung Quốc rơi vào cảnh thù trong giặc ngoài, bị nước ngoài xâm lược, đồng thời nội bộ chia rẽ kết bè kết phái: mỏm núi phía Nam là ngụy quyền Uông Tinh Vệ (“tinh vệ” là tên một loài chim, nên mới dùng chữ “tước”, tức chim tước); mỏm núi phía Đông Bắc là triều đình ngụy Mãn Châu do Nhật Bản giật dây, người nắm quyền là hoàng đế bù nhìn Phổ Nghi của triều mạt Thanh (Phổ Nghi họ là Ái Tân Giác La, nên ở đây mới gọi là “la”, tức tấm lưới).

“Nhất triêu thính đắc kim kê khiếu, Đại hải trầm trầm Nhật dĩ quá” (Mai kia nghe tiếng gà vàng gáy, Biển cả thâm trầm Nhật đã qua):

Chỉ năm 1945, Nhật Bản đầu hàng. Năm 1945 là năm Kê (gà), Dậu trong ngũ hành thuộc Kim, nên mới gọi là “Kim Kê” (tức gà vàng).

Trong hình vẽ dưới chim (鸟) là núi (山), chính là chữ “đảo” (島); hình vẽ chim trông giống chữ “giới” (介), chim đậu trên đá, đối mặt với mặt trời, ám chỉ Tưởng Giới Thạch dẫn dắt Trung Hoa Dân Quốc kháng Nhật.

Chúng ta thấy rằng Tượng này nội dung rất chặt chẽ, lời ẩn đố mang hàm ý chuẩn xác, rõ ràng xoay quanh cuộc chiến xâm lược của Nhật Bản đối với Hoa. Mặc dù nhất thời chưa thể giải thích được toàn bộ nhưng vẫn có thể nhìn ra được cục diện đại khái.

b. Lời chứng của Kim Thánh Thán

Ba trăm năm trước khi Nhật Bản xâm lược Trung Hoa, vào những năm đầu triều Thanh, tài tử Kim Thánh Thán đã giải được Tượng này, ông đã bình chú như sau: “Có khả năng Tượng này là dự ngôn Đông Di xâm lược Trung Nguyên, họa ngoại xâm nhất định là đến năm Kê mới có thể bình định” [1].

Lời bình chú mà Kim Thánh Thán lưu lại có ý nghĩa trọng đại. Nó không chỉ đơn thuần là lời giải chính xác, mà còn là bằng chứng về tính chân thật và chứng tỏ khả năng tiên đoán trước lịch sử của bộ sách tiên tri Thôi Bối Đồ. Nếu như không có lời bình chú của Kim Thánh Thán, chắc hẳn sẽ có người quả quyết rằng: “Những lời này được biên tạo sau khi chiến tranh kháng Nhật giành thắng lợi, việc đã rồi mới ví mình như Gia Cát Lượng, lại còn mạo nhận là dự ngôn”.

c. “Lời tiên tri” của Phổ Nghi

Ngoài ra, hoàng đế Phổ Nghi nhà mạt Thanh cũng dựa vào dự ngôn này mà biết trước sự bại vong của Nhật Bản. Theo hồi tưởng của Lý Ngọc Cầm, người vợ thứ tư của Phổ Nghi: “Khi Nhật Bản xâm lược Trung Hoa trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Phổ Nghi thường nhắc tới chuyện người Nhật Bản sẽ sụp đổ vào năm 1945, ông nói đó là do ông nhìn thấy trong Thôi Bối Đồ”.

2. Dự ngôn chuẩn xác, lời giải đáp cho tương lai

Trong quá trình lưu truyền Thôi Bối Đồ, người ta phát hiện ra những lời dự ngôn trong đó không sai lệch chút nào, càng về sau càng phát hiện ra cuốn sách có khả năng tiên đoán quá siêu việt, tới mức người ta đã hình thành nên một nhận thức chung: muốn biết đáp án của tương lai, hãy tìm kiếm trong Thôi Bối Đồ! Đúng như một Tượng trong Thôi Bối Đồ đã viết rằng: “Mang mang thiên số thử trung cầu” (Thiên mệnh mênh mông đều có thể tìm được trong cuốn sách này).

Trong các triều Ngũ Đại –hai triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh– v.v. các vị hoàng đế khai quốc đều vui mừng khi thấy dự ngôn trong Thôi Bối Đồ ứng nghiệm, tuyên bố rõ thiên mệnh nằm ở đây. Tuy nhiên Thôi Bối Đồ cũng đã dự ngôn sự diệt vong của triều Đường và sự hoán đổi các triều đại, khiến người thống trị các triều đại sợ hãi. Bởi vậy qua nhiều triều đại, Thôi Bối Đồ đều bị liệt vào hàng sách cấm.

3. Sách cấm của các triều đại, hàng trăm bản giả

Cháu trai của Nhạc Phi, nhà sử học thời Nam Tống là Nhạc Kha, người đã viết bộ Thỉnh Sử, trong cuốn Nghệ Tổ Cấm Sấm Thư đã ghi lại câu chuyện như sau: Vào lúc Tống Thái Tổ cấm sấm thư, trong dân gian có nhiều bản cất giấu, cấm cũng không được. Tể tướng Triệu Phổ bèn tâu rằng: “Người tàng trữ Thôi Bối Đồ nhiều lắm, đã trừng phạt rất nhiều người rồi”. Thái Tổ đáp: “Khỏi cần cấm nhiều, chỉ cần đảo loạn là được rồi”. Nói xong bèn hạ lệnh thu hồi các bản Thôi Bối Đồ cũ, ngoại trừ các Tượng đã ứng nghiệm ra thì xáo trộn trật tự trước sau của các Tượng, chế tác hàng trăm bản khác nhau lưu truyền dân gian. Bởi vậy mọi người mới không biết đâu là bản thật, họa chăng có giữ Thôi Bối Đồ thì cũng không ứng nghiệm nữa, cũng không cần thu gom nữa.

4. “Nhà nhà đều có”, thật giả lẫn lộn

Việc Thôi Bối Đồ trở thành sách cấm lại càng tăng thêm vẻ thần bí cho các lời dự ngôn của nó, bởi vậy nó ngày càng được lưu truyền rộng rãi một cách bí mật trong dân gian. Tới giữa thời Bắc Tống thì thậm chí nhiều tới mức độ “nhà nhà đều có”[2], như thể ai chưa từng xem Thôi Bối Đồ thì không phải là người đọc sách vậy! Đương nhiên Thôi Bối Đồ thời bấy giờ cũng thật giả lẫn lộn.

Tuy nhiên bản giả cũng không đáng sợ như trong Thỉnh Sử nói, bởi vì lược bỏ đi cái giả thì còn cái thật, đây vốn là kỹ năng cơ bản của giới học giả; rất nhiều người đọc sách có khả năng phân biệt bản giả, cho nên bản giả dần dần bị đào thải theo lịch sử; thời gian sẽ khiến chúng chìm lắng, và bản thật dần dần hiển lộ rõ ra.

5. Bỏ giả giữ thật, nổi bật lên bản có bình chú của Kim Thánh Thán

Phiên bản Thôi Bối Đồ được lưu truyền rộng rãi nhất hiện nay chính là bản có bình chú của tài tử Kim Thánh Thán đầu thời nhà Thanh. Khi liên quân Anh-Pháp tấn công vào Bắc Kinh, bản Thôi Bối Đồ có bình chú của tài tử Kim Thánh Thán bị cướp sang Anh Quốc, sau đó được một thương nhân người Hoa mua về nước, rồi được in ấn phát hành vào thời Dân Quốc.

Vì sao nó có thể được lưu truyền rộng rãi đến như vậy? Hiển nhiên là vì thời gian đã sàng lọc các bản giả, chỉ còn lại bản có bình chú của Kim Thánh Thán là nổi bật ra. Thời cận đại có không ít người đã thử khôi phục lại trật tự sắp xếp đúng của «Thôi Bối Đồ», trả lại diện mạo ban đầu của nó, làm những thử nghiệm hữu ích.

6. Tác giả của Thôi Bối Đồ

Tác giả của Thôi Bối Đồ rốt cuộc là ai? Tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Có người nói là do Lý Thuần Phong, quan Thái sử lệnh của Đường Thái Tông sáng tác nên; có người nói do đại gia toán học Chu Dịch triều Đường là Viên Thiên Cương sáng tác; nhiều người hơn nữa nói là do Viên Thiên Cương và Lý Thuần Phong đồng sáng tác…

Thực ra qua tư liệu lịch sử có thể tra cứu được ai là tác giả của Thôi Bối Đồ, trong Thỉnh Sử cũng viết: “Lý Thuần Phong thời Đường sáng tác Thôi Bối Đồ”.

II. Tiêu chuẩn chính giải Thôi Bối Đồ

Trong thời đại Internet, tài liệu lịch sử phong phú như biển cả, nhưng tài liệu lịch sử được người ta quan tâm nhất là gì? Qua thống kê trên Internet, chúng ta có đáp án như sau: Tài liệu lịch sử phương Tây được quan tâm nhiều nhất là đại dự ngôn Các Thế Kỷ của nhà tiên tri vĩ đại người Pháp Nostradamus, còn trong tiếng Trung thì chính là Thôi Bối Đồ. Xem ra điều được người ta quan tâm nhất vẫn là dáng dấp của tương lai.

Do Thôi Bối Đồ được quan tâm nhiều nhất nên các bản phân tích nó cũng rất nhiều. Ở trên mạng, các bài giải thích từng phần riêng biệt của Thôi Bối Đồ cũng lên tới hàng trăm bài, vậy lời lý giải chân chính nằm ở đâu?

Nếu như không có một tiêu chuẩn hợp lý, thì cũng chỉ như chồng nói có lý, vợ nói cũng có lý, lẫn lộn nhau, vậy thì có lý cũng bằng không có lý. Chính giải chân chính triển hiện thiên cơ thì rất khó được hiểu đại trà.

Hiện nay, các phương pháp nghiên cứu Thôi Bối Đồ chủ yếu là sắp xếp lại thứ tự các Tượng, người ta đã đưa ra rất nhiều phương pháp sắp xếp lại thứ tự loạn bát nháo để mong có căn cứ giải thích thiên cơ thực sự của tương lai. Do đó, nếu vẫn lấy thứ tự sắp xếp các Tượng trong bản Thôi Bối Đồ có bình chú của Kim Thánh Thán để phân tích, lý giải tương lai, thì hẳn là chưa nghiên cứu được nguyên bản lịch sử.

Trong phiên bản Thôi Bối Đồ đã được sắp xếp lại thứ tự, có một tiêu chuẩn được người ta khá đồng tình, đó chính là nửa phần trước của Thôi Bối Đồ là không gây tranh luận, đồ, sấm, tụng, quái trong mỗi Tượng – “tứ vị nhất thể” đều cùng xoay quanh một chủ đề, cùng làm nổi bật một chủ đề. Do vậy, việc giải thích Thôi Bối Đồ cũng thuận theo tiêu chuẩn này. Nếu như chỉ giải thích một phần cục bộ trong “đồ, sấm, tụng, quái” mà không liên kết với chỉnh thể thì cũng như chỉ nhìn được một mặt của khối lập phương Rubik sáu mặt, khó có thể gọi là chính giải được. Nếu như cả bài giải thích tán loạn lung tung, Đông Tây lẫn lộn, dẫu có chỗ ăn khớp nhưng không xoay quanh một chủ đề trung tâm thì cũng chỉ là một loại suy đoán chủ quan khiên cưỡng mà thôi.

Dưới đây thuận theo tiêu chuẩn “tứ vị nhất thể” (đồ, sấm, tụng, quái), chúng ta hãy thử giải thích các Tượng liên quan đến Tập Cận Bình trong Thôi Bối Đồ, trước tiên xem Tượng Thôi Bối Đồ mà trong đó Tập Cận Bình đóng vai chính—không giải thì không biết, hễ giải ra thì thấy kinh sợ.

Ghi chú:

[1] Nguyên văn lời bình chú của Kim Thánh Thán trong Tượng 39 Thôi Bối Đồ như sau: “Tượng này nghi có ngoại Di nhiễu loạn Trung Nguyên, ắt đến năm Dậu mới được bình định”.

Thời Trung Quốc cổ đại, khi đề cập đến các dân tộc ở vùng xa xôi bên ngoài Trung Nguyên, thì có thuyết “Đông Di Tây Nhung, Nam Man Bắc Địch”, trong đó Di là cách gọi ngoại tộc ở phương Đông.

[2] “Nhà nhà đều có Thôi Bối Đồ” lấy từ câu nói của Tống Thần Tông thời Bắc Tống. Theo Kê Lặc Biên của Trang Xước thời Bắc Tống ghi lại thì: Vương An Thạch khi cải cách triều chính đã nghênh ngang chỉ trích các đối thủ chính trị, các đại thần trung trực đều bị gạt bỏ. Ông ta cũng công kích quan ngự sử Phạm Thuần Nhân (con trai thứ của Phạm Trọng Yêm), thậm chí đòi xử liên đới cả họ tộc. Không tìm được lý do, ông ta bèn nói Phạm gia tàng trữ cấm thư Thôi Bối Đồ. Tống Thần Tông tới tận nơi xem, chỉ nói: “Sách này ai mà chẳng có, không đủ định tội”.

Xem tiếp Phần 2

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2016/07/31/153966.《推背图》中的2016-17、圣人、“中国梦”(一).html



Ngày đăng: 31-08-2016

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.