Tu luyện cố sự: Thương Đạo



[ChanhKien.org] Có một chàng thư sinh thi cử nhiều lần nhưng không đậu. Sự đời chìm nổi khiến anh quyết ý từ bỏ ước vọng theo đuổi con đường làm quan, vứt bỏ công danh bon chen nơi thế tục để xuất gia tầm Đạo. Được người ta mách bảo, chàng thư sinh tìm đến một sơn động muốn bái Đạo trưởng làm thầy. Đạo trưởng dùng huệ nhãn nhìn một lượt từ trên xuống dưới, trong lòng không khỏi mừng thầm, rồi từ tốn nói với anh rằng: “Cậu muốn học gì đây? Ta có chút thuật biến đá thành vàng, thuật đi trên không, thuật độn nhập.” Chàng thư sinh không nghĩ ngợi nhiều, một lòng thành khẩn nói: “Đệ tử muốn học Đạo.” Kể từ đó, đạo trưởng hàng ngày giảng đạo cho anh, dạy anh ngồi thiền, nhập định tu luyện.

Cứ thế đã mấy năm trôi qua, một ngày kia đạo trưởng gọi chàng thư sinh đến, nói với anh rằng: “Ta muốn xây một tòa thiên cung rộng lớn, nhưng không đủ tiền, vậy nên ta muốn con ban ngày xuống khu chợ sầm uất dưới núi bán son phấn, buổi tối trở về tiếp tục ngồi thiền tu luyện.” Sư phụ đã dặn như vậy, làm đệ tử chỉ có thể tuân theo. Anh ta hỏi: “Thưa sư phụ, con nghèo rớt mồng tơi, lấy tiền đâu để mua son phấn đây?” Vị đạo trưởng chỉ tay về phía một đống đá, trong nháy mắt, những hòn đá này đều biến thành son phấn thượng hạng bậc nhất, đủ để chất đầy cả mấy chiếc rương lớn. Chàng thư sinh không sao hiểu được, sư phụ đã có thuật biến đá thành vàng, cớ sao còn bắt đệ tử phải bôn ba nơi thế tục kiếm tiền làm chi? Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy người tu luyện nên tuân theo ý nguyện của sư phụ mới là quan trọng nhất.

Vậy là hàng ngày trời vừa tảng sáng, chàng thư sinh liền gánh son phấn đi xuống núi, mang theo tâm trạng không tình nguyện. Anh vốn là người nho nhã, hay ngại ngùng, không quen với việc lớn tiếng rao hàng giữa khu chợ, giống như mấy người bán hàng ăn vậy. Lúc đầu, chàng thư sinh đứng ở nơi vắng vẻ ít người qua lại, mặt cúi gằm, cất tiếng vo ve như muỗi kêu, rao rằng: “Bán son phấn đây, bán son phấn đây!” Dẫu thi thoảng có người đi ngang qua cũng phải lắng tai nghe kỹ mới có thể nghe thấy tiếng rao hàng của anh. Vị Đạo trưởng đứng cách đó không xa theo dõi anh, thấy anh đã là một người tu Đạo mà vẫn còn sợ nơi thế tục như vậy, Đạo trưởng vừa nhìn vừa lắc đầu, bèn hóa thành một đổ tể thô lỗ, vác dao trên người đi đến bên cạnh chàng thư sinh hỏi: “Cậu đang làm gì thế?” Chàng thư sinh cúi đầu, đỏ mặt nói: “Tôi bán son phấn.” Tên đồ tể quát to một tiếng, dùng con dao nâng mặt chàng thư sinh lên, lớn tiếng hết cỡ hỏi: “Nói cái gì hả? Ta nghe không rõ.” Chàng thư sinh im lặng, trấn tĩnh một lát, nhìn xuống con dao, run rẩy nói: “Bán son phấn.” Tên đồ tể nói: “Bán hàng thì phải rao to lên chứ, khu chợ ồn ào thế kia, mà giọng của ngươi lại nhỏ như vậy, thử hỏi ai nghe thấy chứ! Nếu ngươi còn rao nhỏ như vậy nữa, ta sẽ chém vụn cái rương hàng của ngươi.”

Chàng thư sinh thật không hiểu nổi, người đi kẻ lại đàng hoàng trên phố, sao lại đột nhiên xuất hiện một tên vô lại như vậy. Nhưng mà muốn hoàn thành ý nguyện của sư phụ thì cần phải mau chóng bán hết số son phấn này. Hiểu thông rồi, chàng thư sinh cố gắng khắc phục tâm nhút nhát, dần dần lớn tiếng chào hàng một cách tự nhiên.  Sống ở nơi thế tục, nên những điều nhìn thấy hiển nhiên đều là chuyện thế tục: tiếng chửi bới, tiếng đánh nhau, những lời tán tỉnh ve vãn, tiếng trẻ kêu khóc, lưu manh quậy phá, thật là không lúc nào được yên. Đủ để khiến chàng thư sinh cảm thấy chán ngán nhường nào. Mỗi tối trở về ngồi thiền, lòng anh rối bời không an định được. Anh cũng không tiện hỏi sư phụ, đành tự mình ngẫm nghĩ, tự mình ngộ. Cuối cùng anh đã hiểu ra: tâm thái của người tu Đạo là vì tu Đạo mà đến, tâm ở trong Đạo, tự nhiên có thể rời xa thế tục, vậy còn sợ gì chứ?

Một tháng trôi qua, chàng thư sinh vẫn không bán được một hộp son phấn nào. Có lúc không khỏi than vãn: “Bán son phấn sao còn khó hơn cả tu Đạo vậy?” Tuy nhiên, sau này anh cũng dần dần hiểu ra, sư phụ đã bảo mình bán son phấn thì mình cứ vui vẻ mà bán thôi. Tu Đạo cần phải dụng tâm, bán hàng cũng phải dụng tâm, nếu như muốn bán được hàng, kiếm được tiền thì phải biết ai là người dùng son phấn. Chàng thư sinh suy nghĩ một hồi, người dùng son phấn là những người phụ nữ bình thường, các kỹ nữ chốn lầu xanh, các phi tần chốn cung đình, ái thiếp của những nhà giàu có. Nhưng nghĩ lại, bán son phấn cần phải tiếp xúc với nữ giới, vậy còn tu Đạo thế nào được đây? Nữ sắc vẫn thật khó vượt qua. Phải trò chuyện với người ta, còn phải nhìn ngắm người ta, đợi sau khi người ta thoa son phấn lên rồi, còn phải nhận xét xem có hợp hay không, có đẹp hay không. Một ngày kia, chàng thư sinh đã nghĩ ra, dẫu là nam giới hay nữ giới đều là người trong thế tục, đều là con người cả. Mình là người tu Đạo, là siêu việt khỏi người nơi thế tục rồi. Hết thảy mọi thứ của thế tục, bao gồm cả con người trong đó sao có thể động đến chí hướng tu luyện của mình được? Nghĩ đến đây, chàng thư sinh không còn cảm thấy khó xử khi tiếp xúc với người khác nữa, trong lòng bỗng thấy vô cùng bình thản. Chàng thư sinh bắt đầu tiếp xúc với đủ mọi loại người, vì đã giữ vững tâm tính nên thế giới phồn hoa trong mắt của chàng đều trở nên đen tối, dơ bẩn. Chốn hồng trần là như vậy mà, không dơ bẩn mới là lạ.

Có một tiên nữ trên trời động lòng khi thấy những suy nghĩ của chàng thư sinh, bèn hạ thế biến thành một thiếu nữ đang tuổi xuân thì, cố tình làm ra các điệu bộ lả lướt, yêu kiều, đầy quyến rũ để thử lòng chàng thư sinh. Mặc dù những lúc ban ngày chàng thư sinh bán son phấn không thể ngồi thiền tu luyện được, nhưng tâm anh mọi thời mọi khắc đều ở trong định, nên tự nhiên không hề bị nữ sắc làm động tâm. Tiên nữ thấy định lực của anh cao thâm đến vậy, bèn rời đi, sau đó lại biến thành một quý phu nhân lớn tuổi, nhan sắc phai tàn đến mua son phấn. Quý phu nhân mua son phấn xong lập tức thoa lên mặt, trong nháy mắt dung mạo vàng võ kia bỗng chốc biến thành một thiếu phụ xinh đẹp như xưa. Mọi người trông thấy đều vô cùng sửng sốt, trên đời này sao lại có loại son phấn thần kỳ đến như vậy. Chẳng mấy chốc tin tức đã lan truyền khắp cả khu chợ, mọi người tranh nhau đến mua son phấn. Hôm đó lại đúng vào ngày thái hậu lên chùa lễ Phật, nhìn thấy cảnh người huyên náo trên phố, không khỏi hiếu kỳ, bèn sai người dò hỏi ngọn nguồn. Sau khi biết được có loại son phấn thần kỳ đến như vậy, lập tức bỏ ra trăm lạng vàng mua hết toàn bộ. Chàng thư sinh nhìn thấy hoàng kim trăm lạng, trong lòng nghĩ, cuối cùng đã có thể hoàn thành tâm nguyện của sư phụ rồi, bèn vui mừng gánh số vàng trở về núi bẩm báo lại với sư phụ.

Giữa đường, chàng thư sinh bắt gặp một đội quân cưỡi ngựa đang định làm nhục một nhóm thiếu nữ đang đi hái hoa. Từ xưa nữ nhân vốn rất coi trọng trinh tiết, vậy nên chàng thư sinh há có thể khoanh tay đứng nhìn? Suốt một thời gian dài lớn tiếng rao bán hàng khiến giọng nói của chàng không còn ngượng ngùng như trước nữa, mà còn vang vọng như chuông. Chàng thư sinh nói: “Tại hạ có trăm lạng vàng nguyện tặng hết cho tướng quân, chỉ mong tướng quân có thể rộng lòng bỏ qua cho những thiếu nữ này.” Đám tướng lĩnh vừa nhìn thấy hai gánh vàng, lập tức mặt mày rạng rỡ vui sướng tột cùng, liền đồng ý bỏ qua cho những thiếu nữ này. Thật đúng là thế sự vô thường, mới đây còn giữ trong tay trăm lạng vàng để hoàn thành tâm nguyện xây dựng thiên cung của sư phụ, vậy mà trong nháy mắt không còn gì nữa. Chàng thư sinh không khỏi có phần chán nản trở về núi, kể lại mọi chuyện với Đạo trưởng.

Kỳ thực, Đạo trưởng vẫn không ngừng dõi theo, trông coi việc tu luyện của chàng thư sinh, hóa thành những người khác nhau coi sóc, bảo hộ anh, hễ có điều gì không đúng liền tức thì điểm hóa cho anh. Nghe chàng thư sinh kể xong, Đạo trưởng liền chỉ tay lên bầu trời, chàng thư sinh nhìn thấy một cung điện nguy nga tráng lệ. Đạo trưởng nói: “Con đã giúp ta xây xong thiên cung rồi. Chính là trong khi bán son phấn, con đã giữ cho tâm không bị con người nơi thế tục làm xao động, vậy nên đã tu luyện ra một cung điện nơi thiên giới rồi.”  Chàng thư sinh không khỏi “ồ” lên một tiếng: “Thì ra là như vậy!”

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2011/10/21/78122.修炼故事:商道.html



Ngày đăng: 01-02-2016

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.