Bàn về giấc mơ (2/12): Giấc mơ về truyền đạo thụ nghiệp



Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 1

II. Giấc mơ truyền đạo thụ nghiệp

Nhiều người có lẽ đã từng nghe nói về giấc mơ truyền đạo thụ nghiệp, loại giấc mơ này đều từng xuất hiện cả trong và ngoài Trung Quốc từ xưa đến nay, phương thức truyền tải và nội dung cũng rất đa dạng. Trong khoa học hiện đại của phương tây, ví dụ nổi tiếng nhất là nhà khoa học người Nga Mendeleev đã phát hiện ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học trong giấc mơ của mình. Ở Trung Quốc, trong truyền thuyết cổ xưa nhất về cuộc chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu, Xi Vưu là một người ba đầu sáu tay, mình đồng da sắt, đao kiếm không đâm nổi, trong chiến đấu ông ta sử dụng đao, rìu, giáo rất thành thạo, không ăn không nghỉ, dũng mãnh không ai địch nổi, vì thế mà Hoàng Đế không thể đánh lại được. Về sau, Hoàng Đế mơ thấy Cửu Thiên Huyền Nữ truyền thụ cho ông “Kỳ môn độn giáp” và các chiến thuật khác, cuối cùng đã đánh bại được Xi Vưu. Một ví dụ khác, mọi người hẳn đều biết câu chuyện về “Cây bút thần của Mã Lương”, ngày nay những câu chuyện này chỉ đơn giản là chuyện thần thoại, nhưng chúng ta hãy tìm những ví dụ thực tế trong các tư liệu lịch sử để minh chứng cho câu chuyện này.

Ví dụ 1: Khổng Tử là người sáng lập ra Nho giáo và cũng là một nhà giáo dục vĩ đại. Ông đưa ra học thuyết lấy “Nhân” làm gốc, lấy “Lễ” làm phương pháp, lấy việc thực hành chế độ Lễ Nhạc của vua Nghiêu vua Thuấn, Chu Văn Vương, Chu Võ Vương làm mục tiêu chính trị. Khổng Tử mong muốn hướng tới một chế độ chính trị xã hội như trong thời kỳ cực thịnh của nhà Chu, ông vô cùng cảm phục trước các thánh quân hiền thần như Chu Văn Vương và Chu Võ Đán, ông đã không chỉ một lần mơ thấy Chu Công. Trong giấc mơ của Khổng Tử, Chu Công đã đem đạo trị quốc cũng như nội dung, đặc điểm, thậm chí trình tự cụ thể của Lễ Nhạc được hình thành từ thời đầu nhà Chu truyền hết cho Khổng Tử. Những năm cuối đời của Khổng Tử, có lẽ vì học vấn của ông đã trọn vẹn rồi nên không mơ thấy Chu Công nữa, vì thế mà ông đã cảm khái mà nói rằng: “Ta đã suy yếu lắm thay! Lâu rồi ta không mơ gặp Chu Công.” Nghĩa là ta đã già yếu lắm rồi, rất lâu không mơ thấy Chu Công nữa. (Theo “Luận Ngữ”, Thuật Nhi Ngũ)

Ví dụ 2: Khi Lã Mông đến nước Ngô, Tôn Quyền khuyên ông chịu khó học hành. Vì thế mà ông đọc nhiều sách vở, còn lấy Kinh Dịch làm chủ đạo, thường hay ở bên Tôn Quyền đàm kinh luận đạo, có lúc còn uống rượu đến say mèm. Một hôm, khi đang mơ ngủ ông bỗng nhiên đọc thuộc cả bộ Kinh Dịch, lát sau tỉnh lại, mọi người đều hỏi ông có chuyện gì. Lã Mông nói: “Trong mơ ta đã gặp Phục Hy, Văn Vương và Chu Công. Họ cùng ta đàm luận chuyện quốc gia hưng vong, pháp lý của thiên địa vũ trụ, quan điểm rất hay và thấu đáo. Họ không chỉ đàm luận suông mà còn đọc thuộc nguyên văn cuốn Kinh Dịch.” Lời nói của Lã Mông đã khiến mọi người kinh ngạc, mọi người đều biết câu chuyện Lã Mông học thuộc Kinh Dịch trong mơ này. (Theo Vương Tử Niên Thập Di Ký)

Ví dụ 3: Đường Huyền Tông từng mơ thấy hơn 10 vị Tiên cưỡi mây ngũ sắc đáp xuống sân đứng thành hàng, mỗi người cầm một loại nhạc cụ cùng diễn tấu. Bản nhạc mà họ tấu du dương thánh thót, đúng là âm thanh nơi cõi Tiên. Đến khi nhạc dừng lại, một vị Tiên tiến lên phía trước nói: “Bệ hạ có biết đây là bản nhạc gì không? Đây là ‘Tử Vân Khúc’ của Thần Tiên, giờ tôi muốn truyền thụ lại cho bệ hạ để làm âm nhạc tiêu chuẩn cơ bản của Đại Đường, bản nhạc này khác rất xa các bản nhạc như ‘Hàm Trì’, ‘Đại Hạ’.” Đường Huyền Tông vô cùng mừng rỡ, lập tức tiếp nhận truyền thụ. Lát sau ông tỉnh lại, dư âm của bản nhạc dường như vẫn còn vang vọng. Ông vội vàng cầm sáo ngọc lên tập thổi, ông hoàn toàn nắm vững được tiết tấu của bản nhạc đó, nhưng ông lại âm thầm ghi nhớ trong tâm mà không tiết lộ cho người khác. Đến khi trời sáng, ông đến Tử Thần Điện nghe tấu trình, tể tướng Diêu Sùng và Tống Cảnh tiến vào điện tấu trình ông các việc, nhưng dường như ông không nghe thấy, hai vị tể tướng sợ hãi lại tấu trình lần nữa. Huyền Tông liền đứng dậy, nhưng ông vẫn không hề để ý đến hai vị tể tướng. Hai vị tể tướng càng thêm sợ hãi lo lắng đi ra ngoài. Lúc đó thị vệ Cao Lực Sĩ ở bên cạnh Huyền Tông lập tức tấu: “Tể tướng đến xin chỉ thị để giải quyết công việc, bệ hạ nên ra quyết định ngay có nên thực hiện không. Hồi nãy việc Diêu Sùng và Tống Cảnh bẩm báo đều là việc quân chính đại sự, mà ngài lại hoàn toàn không để tâm, lẽ nào hai vị tướng đã đắc tội gì?” Huyền Tông cười nói: “Tối qua ta mơ thấy các vị Tiên tấu nhạc, bản nhạc đó gọi là ‘Tử Vân Khúc’, họ đã đem bản nhạc đó truyền lại cho ta. Ta sợ mình quên tiết tấu bản nhạc nên mới âm thầm tập luyện trong tâm, vì thế mới không chú ý đến việc trình tấu của hai vị tướng quốc.” Rồi ông rút cây sáo ngọc trong người ra đưa cho Cao Lực Sĩ xem. Ngày hôm đó Cao Lực Sĩ đi đến tỉnh Trung Thư, đem sự tình kể hết cho hai vị tướng quốc, hai vị nghe xong không còn sợ hãi nữa. Khúc nhạc này về sau được truyền lại cho quan Nhạc phủ. (Theo Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 4: Lý Long Cơ đam mê âm nhạc, trong các vị quân vương thời cổ đại, Lý Long Cơ là người nghiên cứu chuyên sâu nhất và tinh thông nhất về âm nhạc. Ông có thể thổi, kéo, gảy, tấu các loại nhạc cụ. Tương truyền, Lý Long Cơ từng mơ thấy mình dạo chơi cung trăng, bỗng nghe thấy trên trời có Tiên nhạc tấu vang, các nàng Tiên mặc bộ vũ y Nghê Thường (bộ quần áo bảy màu, được biết đến như là trang phục của Bát Tiên) tung tăng nhảy múa. Giọng ca của Tiên nữ thánh thót, điệu múa nhẹ nhàng thướt tha. Sau khi Lý Long Cơ tỉnh lại, ông nhớ rõ ràng cảnh tượng trong giấc mơ, muốn ghi lại khúc nhạc đó để cho nhạc công diễn tấu và ca nữ múa hát. Ông dần dần nhớ lại, nhớ được chút nào liền ghi ra ngay, ngay cả ban ngày khi lên triều, ông vẫn mải mê ghi chép và còn cầm theo một cây sáo ngọc, vừa nghe đại thần đọc bản tấu, tay lại luồn ra phía sau lén ấn các lỗ sáo trên sáo ngọc để tìm giai điệu, về sau ông đã nhớ được hết toàn bộ khúc Tiên nhạc mà mình đã nghe được trong mộng, và ông lập tức ghi thành bản nhạc, dựa vào đó sáng tác nên khúc nhạc nổi tiếng phù hợp với diễn tấu trong cung đình, đó chính là bản ‘Nghê Thường Vũ Y khúc’ hay điệu múa ‘Nghê Thường Vũ Y vũ’, đây là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có giá trị trong đại khúc triều Đường, là tác phẩm tập hợp ca múa thời Đường. Cho đến nay, đại khúc này vẫn không hổ danh là viên ngọc sáng của trong lịch sử âm nhạc và vũ đạo.

Ví dụ 5: Liệt Tử qua đời ở nước Trịnh, phần mộ của ông nằm trong một bụi cỏ hoang bên ngoài thành, nơi đây trở thành di tích lịch sử nổi tiếng, không cho phép ai vào đốn củi. Gần đó có một người tên là Hồ Sinh, gia đình rất nghèo khó, thời trẻ làm nghề mài rửa gương đồng thuê. Khi kiếm được trái cây, trà ngon hoặc rượu ngon, Hồ Sinh đều mang đến cúng trước mộ phần của Liệt Tử, mong Liệt Tử ban cho mình trí thông minh và học vấn. Một năm sau, anh ta mơ thấy một người cầm dao mổ bụng anh ta ra và đặt một cuốn sách vào trong tim của anh. Tỉnh dậy, anh muốn ngâm thơ, những câu thơ ngâm lên đều vô cùng mỹ miều, nhưng lại không phải do học được từ thầy cô hoặc bạn bè. Mặc dù đã có học vấn rồi, nhưng anh vẫn không từ bỏ nghề mài rửa gương đồng thấp kém kia, thật mang phong thái của một ẩn sĩ. Người xa gần đều gọi anh là “Hồ Đinh Giảo”. Các quan viên thái thú và những người có tiếng trong xã hội đều rất kính phục anh, các vị tiền bối thường đến thăm hỏi anh, tặng lễ vật thì anh đều không nhận, nhưng nếu tặng trà thơm hoặc rượu ngon, anh lại vui vẻ đón nhận. (Theo Vân Khê Hữu Nghị)

Ví dụ 6: Khi cha con Vương Kiến thống trị Thục Quốc, Kiềm Nam Tiết độ sứ Vương Bảo Nghĩa có một người con gái gả cho Cao Bảo Tiết, vốn là con trai của Cao Tòng Hối nước Kinh Nam. Trước khi được gả đến Kinh Nam, cô vẫn hay mặc y phục Đạo sĩ. Cô nương này tư chất thông minh, cô có một cây đàn tỳ bà rất đẹp. Khi còn mặc quần áo Đạo sĩ, Vương Thị Nữ nhiều lần mơ thấy dị nhân truyền thụ cho cô các bản nhạc. Những người truyền nhạc cho cô, khi thì có dáng vẻ Đạo sĩ, lúc lại mang dáng vẻ người phàm tục. Họ mặc y phục màu tím hoặc màu vàng. Có lúc một đêm truyền thụ mấy bản nhạc, có bản nhạc cô chỉ nghe một lần là đã nhớ. Những bản nhạc này âm điệu thánh thót, siêu phàm thoát tục, khác hẳn các bản nhạc thông thường, gần giống với bản nhạc “Tử Vân” của Tiên gia. Những người này còn nói với Vương Thị Nữ: “Hãy nhờ anh trai cả viết lời tựa cho những bản nhạc này, và khắc trên đá theo hướng giáp dần.” Huynh trưởng của Vương Thị Nữ là Vương Trinh Phạm làm Thôi quan thiếu giám của Kinh Nam, chính ông đã viết lời tựa cho những bản nhạc này và khắc lên đá. Các bản nhạc được truyền thụ cho Vương Thị Nữ gồm có “Đạo điệu cung”, “Vương thần cung”, “Di tắc cung” v.v., tổng cộng hơn 200 bản nhạc. Điều khác biệt là, các bản nhạc “Tương phi oán” và “Khốc Nhan Hồi” được viết theo điệu Chủy, nhưng khi đó các nhạc cụ của người Hồ như tỳ bà, hốt lôi thường không đàn tấu điệu Chủy. Sau khi cô được gả cho nhà họ Cao được vài năm thì qua đời. Vương Thị Nữ thực ra là Tiên nữ vì phạm phải luật Trời nên bị giáng xuống nhân gian. Hậu nhân của cô, vợ của con trai Tôn Quang Hiến, chính là cháu gái của Vương Thị Nữ, cũng nhớ một hai bài trong số những bản nhạc đó, có người đã từng nghe cô đàn. Đây cũng là một chuyện kỳ lạ! (Theo Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 7: Vào thời Đường, Quán Hưu là một tăng nhân Phật gia, người Lan Khê, Vụ Châu. Hòa thượng Quán Hưu giỏi về ngâm thơ, viết chữ, hội họa. Trước khi Vương Kiến xây dựng vương triều Thục, ông đến nước Thục Trung, sống tại nơi tu hành tham thiền ở chùa Long Hoa. Ông dùng lối vẽ thủy mặc vẽ cho chùa 18 vị La Hán, một bức tượng Phật cùng hai bức tượng Bồ Tát. Trong tranh vẽ một mỏm núi đá lớn vây quanh mây mù, những nhành cây tùng khẳng khiu uốn lượn quanh gốc cây. Hơn nữa, tướng mạo của các vị Phật, Bồ Tát và 18 vị La Hán đều khác thường, không giống như tranh của các họa sĩ khác vẽ. Bản thân Quán Hưu thường hay nói: “Trong mộng ta mơ thấy những vị Thần Phật này, sau khi tỉnh dậy thì vẽ lại, cũng có thể gọi họ là ‘Ứng mộng La Hán’. Đệ tử của ông là Đàm Vực và Đàm Phất bí mật đem những bức tranh này cất đi, coi chúng như những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Thục Vương từng tuyên triệu Quán Hưu vào cung, ông rất ca ngợi tranh của Quán Hưu, khen rằng nét vẽ của ông phóng khoáng tự nhiên, ở trong cung được một tháng, vua điều ông đến Hàn lâm viện. Học sĩ Hàn lâm viện Âu Dương Quýnh cũng từng quan sát Quán Hưu hòa thượng, và còn viết một bài thơ tặng ông. (Theo Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 8: Trong những năm Cửu Thị tức những năm Võ Tắc Thiên trị vì, Dương Huyền Lượng người Tương Châu khi đó hơn 20 tuổi từng đi đến Kiền Châu làm thuê tại Vấn Sơn Đạo quán, trong khi ngủ trưa anh mơ thấy Thiên Tôn nói với mình rằng: “Căn phòng của ta đã quá cũ nát rồi, ngươi có thể giúp ta tu sửa lại được không, ta sẽ giúp ngươi có thể chữa được mọi loại bệnh.” Sau khi tỉnh lại, Huyền Lượng vô cùng vui mừng, và thử đi trị bệnh cho người khác, không ai không trị khỏi. Ở huyện Cán có một vị Lý Chính, sau lưng có một cái nhọt to như nắm tay. Huyền Lượng dùng dao cắt đi, mấy ngày sau thì khỏi. Huyền Lượng trị bệnh cho người ta mỗi ngày kiếm được rất nhiều tiền. Khi anh giúp Thiên Tôn tu tạo xong miếu đường, việc giúp người trị bệnh của anh cũng dần dần không công hiệu nữa. (Theo Triều Dã Thiêm Tải)

Ví dụ 9: Những năm cuối thời Đông Hán, Trịnh Huyền theo thầy Mã Dung học tập, thời gian ba năm trôi qua nhưng vẫn chưa học được gì. Về sau, Mã Dung để anh ta ra về. Một hôm, Trịnh Huyền đang ngủ ở dưới bóng cây thì mơ thấy một người dùng dao rạch tim của anh ta ra, rồi nói với anh: “Bây giờ ngươi hoàn toàn có thể khiến mình trở thành người có học vấn rồi!” Trịnh Huyển tỉnh dậy lập tức quay lại chỗ thầy, không lâu sau liền học thông hiểu thạo hết các sách cổ. Về sau, anh đi về phía đông, Mã Dung than thở rằng: “Thi thư lễ nhạc đều đi về phương đông hết rồi !” (Theo Dị Uyển)

Ví dụ 10: Vào thời Nam Triều Lương, Giang Yêm từng nhậm chức Thái thú Tuyên Thành. Thuở nhỏ ông từng mơ thấy có người tặng ông cây bút ngũ sắc, cho nên từ đó văn chương bay bổng tài hoa nổi tiếng. Về sau, ông lại mơ thấy một người tự xưng là Quách Cảnh Thuần (tức Quách Phác) nói với ông: “Trước đây ta đã cho ông mượn cây bút, bây giờ nên trả lại ta rồi.” Giang Yêm lấy từ trong túi ra cây bút ngũ sắc trả lại người đó. Từ đó, tài văn chương của Giang Yêm ngày càng kém, cho nên người ta mới có câu “Giang lang tài tận” (tức tài năng cạn kiệt). (Theo Nam Sử)

Ví dụ 11: La Quân Chương người Quế Dương, đến năm khoảng 20 tuổi vẫn không có chí hướng học hành. Ban ngày, trong lúc ngủ ông từng có một giấc mơ thấy mình nhặt được một quả trứng chim, quả trứng phát ra ánh sáng sặc sỡ, không giống thứ gì nơi nhân gian, trong mộng ông đã cầm nó nuốt vào bụng. Sau đó, ông dần dần minh xác được chí hướng của bản thân, càng nỗ lực phấn đấu học tập hơn, học thuộc các loại kinh điển, về sau nhờ tài học vấn mà trở nên nổi tiếng. (Theo Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 12: Vương Nhân Dụ (880 – 956), tự Đức Liên, là người ở Thiên Thủy thời nhà Đường (nay là huyện Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc). Ông là một nhà văn học, một thi nhân thời kỳ Ngũ Đại (thời kỳ năm triều đại thay nhau thống trị vùng Trung Nguyên: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu). Ông tinh thông âm nhạc, sau khi Tấn Cao Tổ định ra nhã nhạc đã mở đại yến tiệc thiết đãi quần thần ở điện Vĩnh Phúc và cho diễn vở “Hoàng Trung”. Vương Nhân Dụ nghe xong liền nói: “Trong nhạc có nhân tố không thuần chính và không nghiêm túc, lại không có hòa âm, điều này chứng tỏ trong cung đình sẽ xuất hiện sự việc tranh đấu.” Ngay sau đó lập tức vọng vào tiếng đánh nhau của hai binh sĩ ở ngoài thành Thăng Long, mọi người vô cùng kinh ngạc. Vương Nhân Dụ rất thích làm thơ, khi ông còn nhỏ từng mơ thấy có người mổ ruột của ông ra, rồi dùng nước sông Tây Giang rửa, lúc đó ông nhìn thấy cát đá sông Tây Giang đều biến thành những chữ Đại Triện, từ đó về sau ý tứ văn thơ của ông ngày càng tiến bộ. Ông đã đem hơn một vạn bài thơ mà mình sáng tác phân thành một trăm tập thơ, lấy tên là Tây Giang Tập (Theo Tân Ngũ Đại Sử).

Ví dụ 13: Hoàng Trạch (1260 – 1346), người Giang Châu thuộc nhà thời Nguyên (nay là Cửu Giang, Giang Tây), tự Sở Vọng, là một nhà giáo dục triều Nguyên. Thuở thiếu thời ông lấy việc minh kinh học đạo làm chí hướng, lao tâm khổ tứ với việc học. Những năm Đại Đức khi nhậm chức Sơn trưởng ở thư viện Cảnh Tinh ở Giang Châu và ở thư viện Đông Hồ ở Long Hưng, ông đã thu nhận nhiều học trò. Ông tinh thông những chú thích cổ, luôn tìm hiểu tỉ mỉ các sự vật hiện tượng; học theo các nguyên lý, phép tắc của phái Trình Chu. Ông lấy việc minh kinh học đạo làm chí hướng, nghiên cứu sâu triết học phái Trình Chu.

Lúc đầu khi Hoàng Trạch mơ thấy Khổng Tử, ông còn cho rằng đây là việc ngẫu nhiên, nhưng về sau ông nhiều lần mơ thấy Khổng Tử, còn mơ thấy Khổng Tử đích thân truyền thụ kiến thức về Lục Kinh cho ông, hơn nữa sách và chữ nhìn thấy trong mộng đều như mới, khiến ông cảm động sâu sắc, nhờ đó ông nhận ra được nhiều điểm không chính xác trong các học thuyết giải thích về Lục Kinh xưa nay. Từ đó, ông sáng tác ra 10 chương Tứ Cổ Ngâm, tán dương đức hạnh, dung mạo của Thánh nhân thời xưa còn vượt trên cả Văn Vương, Châu Công. Hết kỳ nhậm chức, ông trở về quê hương, không thu nhận đồ đệ nữa mà chỉ phụng dưỡng cha mẹ, không quan tâm đến chuyện quan trường nữa. (Theo “Nho học truyền”, Nguyên Sử)

Ví dụ 14: Giang Thức, tự Pháp An, người Tế Dương, quận Trần Lưu. Tổ đời thứ sáu là Giang Quỳnh, tự Manh Cư, làm Thái thú ở Bằng Dực triều Tấn, biết viết chữ Triện và giải nghĩa các từ trong sách cổ. Trong cuộc nổi loạn ở Vĩnh Gia, Giang Quỳnh từ quan, đến nhờ vả Trương Quỹ ở vùng miền tây, con cháu từ đó cư ngụ ở vùng Đông Châu, đời đời truyền thừa gia nghiệp tại nơi đây.

Giang Thức từ nhỏ đã được sống trong gia đình có truyền thống học hành. Mấy năm trước đó, ông từng mơ thấy có hai người thỉnh thoảng dạy ông học, khi tỉnh dậy, trong đầu luôn ghi nhớ về những thứ đã học trong mơ.

Mới đầu, ông được phong làm Tư đồ trưởng kiêm Hành tham quân và Kiểm giáo ngự sử, không lâu sau thì nhậm chức Điễn khấu tướng quân và Phù tiết lệnh. Bởi vì ông viết sắc lệnh phong tước cho Thái hậu Văn Chiêu, nên được đặc cách nhận chức Phụng triều thỉnh, nhưng vẫn kiêm chức Phù tiết lệnh. Chữ Triện của Giang Thức viết vô cùng đẹp, chữ trên các biển ở khắp các cổng trong cung điện Lạc Kinh đều là chữ thư pháp của Giang Thức. (Theo Ngụy Thư)

Ví dụ 15: Trương Nguyên Tố, tự Khiết Cổ, là người Dị Châu triều đại nhà Kim. Không rõ tháng năm sinh của ông, chỉ biết ông cùng thời đại với y học gia nổi tiếng triều đại nhà Kim là Lưu Hoàn Tố nhưng ông nhỏ tuổi hơn. Ông sống vào khoảng thế kỷ 12 đến 13 SCN. Từ nhỏ ông đã chuyên tâm đọc kinh thư, tám tuổi thi đỗ khoa cử dành cho trẻ nhỏ; năm 27 tuổi thi đỗ Kinh nghĩa tiến sĩ, nhưng vì phạm miếu úy mà thi rớt (Miếu úy: tên húy của cha hoặc ông nội của hoàng đế thời phong kiến), thế là ông từ bỏ việc khoa cử mà chuyên tâm vào học y. Ông nỗ lực học hành, tìm tòi suốt hơn 20 năm, bởi vì ông chuyên tâm học y thuật cho nên đã cảm động đến Trời cao, ông đã “gặp được cao nhân về y thuật truyền cho những phương thức kỳ diệu hiếm có”. Ông có trình độ y học cao thâm nên hiệu quả chữa trị rất cao. Ông từng dùng y học khuất phục được Lưu Hà Gian.

Bản thân Trương Nguyên Tố rất muốn tìm hiểu sâu về “Nội kinh”, đến mức độ cả trong mơ cũng tìm cầu, ông từng mơ thấy có người mọc răng, trong tâm răng có lỗ, bên trong cất dấu kinh thư, đề mục cuốn kinh thư là Nội kinh chủ trị bị yếu, thật đúng là “lòng thành cảm động đất trời”, cho nên ông Trời mới có thể cho ông nhìn thấy điều kỳ diệu của y học. (Bài viết được trích từ internet, tác giả: Bác sĩ Vương Kim Đạc)

Ví dụ 16: Hứa Thúc Vi là y học gia nổi tiếng triều Tống, tự Tri Khả, hiệu Cận Tuyền, sống vào những năm Nguyên Phong thời Bắc Tống (khoảng năm 1080), người Bạch Sa, Chân Châu (nay là Nghi Chinh, Giang Tô).

Hứa Thúc Vi từng được giới thiệu tham gia khoa cử mùa xuân nhưng không đỗ. Trên đường trở về nhà, khi thuyền đi qua vùng Bình Vọng ở Ngô Giang, buổi tối ông mơ thấy một người mặc quần áo màu trắng nói: “Ngươi không tích âm đức, cho nên thi không đỗ.” Hứa Thúc Vi liền nói: “Gia cảnh nhà tôi bần hàn, không có tiền để giúp đỡ người khác. Tôi nên làm thế nào mới được đây?” Người mặc áo trắng nói: “Tại sao không học y chứ? Ta có thể giúp ngươi tinh thông y thuật.”

Hứa Thúc Vi tỉnh dậy, trở về nhà, ông lập tức theo lời người mặc áo trắng chịu khó nghiên cứu đọc sách y. Về sau, quả nhiên ngộ được y đạo tuyệt diệu của Biển Thước, Trương Thân Cảnh. Chỉ cần ai có bệnh trên người, dù là giàu hay nghèo, Hứa Thúc Vi đều tận tình chữa trị và bốc thuốc cho họ, gặp phải những người bệnh nghèo khó, ông không lấy một xu nào. Số người được ông chữa khỏi nhiều không đếm xuể.

Về sau, Hứa Thúc Vi quả nhiên thi đỗ cử nhân trong hội thi hương. Khi đi đến Lễ Bộ tham gia thi hội, ngồi thuyền lại đi qua Bình Vọng, buổi tối ông lại mơ thấy người mặc áo trắng, người đó tặng ông bốn câu thơ: “Thí dược công đại, trần lầu gian sở; Điện thượng hô lư, hoán lục tác ngũ.” Hứa Thúc Vi nghĩ tới nghĩ lui cũng không giải được hàm nghĩa trong bốn câu thơ đó, vì thế tạm thời gác chuyện này qua một bên.

Đến năm thứ hai Thiệu Hưng (năm 1132), Hứa Thúc Vi thi đỗ tiến sĩ và đứng thứ sáu. Không lâu sau, người xếp thứ hai vì nguyên cớ nào đó mà không đủ tư cách, nên ông được xếp thứ năm. Trước ông là Trần Tổ Ngôn, dưới ông là Lầu Thôn, chính là đứng ở giữa hai người họ Trần và họ Lầu, lúc này ông mới hiểu được ý nghĩa của câu thơ trong mộng. (Trích từ bài viết trên internet)

Ví dụ 17: Đây là câu chuyện về một cụ già người Hàn Quốc từ nhỏ đã bắt đầu học chữ Hán trong mơ, nội dung bài viết được lấy từ internet, tiêu đề của nó là “Kỳ nhân 90 tuổi người Hàn Quốc trong mơ học chữ Hán xuất bản tập thơ chữ Hán”, dưới đây xin được trích lục lại bài viết đó để chia sẻ cùng mọi người:

Cụ ông 95 tuổi người Hàn Quốc tên là Văn Tướng Hạo (tên phiên âm) tự là Lưỡng Bạch Đường, đã xuất bản tập thơ đầu tiên bằng chữ Hán tên Lưỡng Bạch Đường tập. Tập thơ này có hơn 90 trang, tập hợp hơn 2.000 bài thơ của ông. Điều thần kỳ là cụ ông người Hàn Quốc này sở dĩ có hiểu biết nhất định về thơ chữ Hán là do ông học được trong mơ. Cụ Lưỡng Bạch Đường từ nhỏ chưa từng đi đến lớp học, mà là học chữ Hán trong mơ theo các hiền triết Khổng Tử, Mạnh Tử. Theo giới truyền thông đưa tin về ông: “Từ năm sáu tuổi, Khổng Tử và Mạnh Tử đã xuất hiện trong giấc mơ của ông, họ lần lượt dạy ông học chữ Hán, học tập kinh thư Nho gia. Nếu không chịu khó học tập, ông còn bị phạt đánh đòn nữa! Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, chỗ bị đánh còn tím bầm và rất đau.”

Dựa vào những trải nghiệm thần kỳ trong mơ, không những học được chữ Hán mà ông còn nhiều lần đoạt giải trạng nguyên thơ Hán trong các cuộc thi thơ chữ Hán của Hàn Quốc hàng năm. Vì có hiểu biết rất sâu về Hán văn và Nho học, nên ông còn đảm nhận việc dạy Hán văn tại Đại học Sungkyunkwan – trung tâm nghiên cứu Nho gia cao nhất tại Hàn Quốc.

Cho đến nay, tiên sinh Lưỡng Bạch Đường với sức khỏe dồi dào vẫn ở nhà nhận dạy Hán văn cho các học sinh. Theo thống kê của ông, số học sinh của ông đã vượt trên con số 1.000, những học sinh này hầu hết đều trở thành giáo viên dạy chữ Hán ở khắp nơi trên Hàn Quốc. Cựu tổng thống Hàn Quốc là Park Chung Hee cũng từng là học sinh của ông.

Cuộc “kỳ ngộ trong mộng” của Lưỡng Bạch Đường thường không được kể ra bên ngoài, bởi vì đây là điều mà khoa học hiện đại khó có thể giải thích được và quan niệm của người thường khó có thể tiếp thu được.

Ông nói với phóng viên: “Hồi nhỏ tôi nói với người trong thôn rẳng tôi đã học được tiếng Hán trong mộng, nhưng họ đều cho rằng tôi đang nói dối, và nghĩ rằng tôi có vấn đề về thần kinh.” Từ đó về sau ông giữ kín bí mật về việc mình học chữ Hán trong mơ.

Ví dụ 18: Chất Benzene được phát hiện năm 1825, trong khoảng thời gian mấy chục năm về sau, người ta vẫn mãi không biết được kết cấu của nó. Tất cả các bằng chứng đều cho thấy rằng phân tử Benzene rất đối xứng, người ta khó có thể tưởng tượng được vì sao sáu nguyên tử Carbon và sáu nguyên tử Hydro lại có thể được sắp xếp hoàn toàn đối xứng, hình thành nên một phân tử ổn định như vậy. Một ngày mùa đông năm 1864, khi nhà hóa học người Đức August Kekulé ngủ gật trước lò sưởi, các nguyên tử và phân tử bắt đầu nhảy múa trong huyễn tượng, một chuỗi các nguyên tử Carbon giống như một con rắn tự cắn lấy đuôi mình và quay vòng trước mặt ông. Sau khi bừng tỉnh giấc, August Kekulé hiểu được phân tử Benzene là một vòng tròn, cũng chính là hình lục giác đều mà ngày nay có khắp trong các cuốn sách giáo khoa hóa hữu cơ của chúng ta.

Ví dụ 19: Trước khi ngành sản xuất may mặc được công nghiệp hóa, khái niệm về kim khâu của mọi người đều giống nhau: đầu xỏ kim và đầu nhọn của kim là hai đầu hoàn toàn khác nhau, do đó mà khi kim xuyên qua vải rồi mới đến sợi chỉ xuyên qua vải. Đối với may thủ công mà nói điều này không có vấn đề gì, nhưng máy may công nghiệp cần làm cho sợi chỉ xuyên qua vải trước. Các nhà phát minh khi đó chọn phương pháp hai đầu kim hoặc nhiều kim, nhưng hiệu quả đều không cao. Vào thập niên 40 của thế kỷ 19, một người Mỹ tên là Elias Howe ôm phiền não vì không thể giải quyết được vấn đề này mà đi vào giấc ngủ, ông mơ thấy một nhóm người tàn bạo muốn cắt đầu ông và nấu ông để ăn, ông vừa cố sức leo ra khỏi nồi vừa tránh dao cắt, nhưng bị nhóm người hung dữ đó dùng cây giáo dài dọa ông, lúc này ông nhìn thấy trên đầu nhọn của cây giáo dài đó có kẽ hở. Giấc mơ này đã làm ông từ bỏ các nguyên lý may thủ công, và thiết kế ra cây kim có đoạn cong với kẽ hở ở đầu kim, kết hợp với sử dụng con thoi để buộc chỉ. Năm 1845, mô hình đầu tiên của ông nổi tiếng thế giới, mỗi phút có thể khâu 250 mũi kim, nhanh hơn cả vài công nhân lành nghề cùng làm một lúc, từ đó nguyên lý may công nghiệp cho năng suất cao đã thực sự ra đời.

Ví dụ 20: Mười mấy năm trước khi đang nghiên cứu Chu Dịch, tôi từng có rất nhiều nghi vấn không tìm được lời giải đáp. Tôi nhớ có một lần đang suy nghĩ về vấn đề liên quan đến ý nghĩa của các chữ số trong tiếng Trung, tôi không hiểu lắm về chữ “四” (tứ, số bốn). Một buổi tối nọ tôi mang theo nghi vấn này mà đi ngủ. Tối đó tôi mơ một giấc mơ, trong giấc mơ tôi thấy hiện ra trước mắt tôi ba cái phích nước nóng với màu sắc khác nhau và một cái ấm đun nước, tỉnh dậy tôi liền ngộ được hàm nghĩa của “tứ”, tức là “chuyển ngoặt”, “chuyển hướng”, “chuyển biến”, ngoài ra chữ số “tứ” còn có hàm ý là “đình chỉ”.

Trên đây chỉ đưa ra một số ví dụ liên quan đến giấc mơ truyền đạo thụ nghiệp, kỳ thực những giấc mơ như vậy tôi đã gặp vô cùng nhiều, ví như khoảng thời gian trước đây khi tôi viết bài “Thuyết giảng về Thái Cực đồ” cũng đã gặp một vấn đề, đó là mắt của hai cá âm dương trong Thái Cực đồ tại sao lại là màu trắng và trong suốt, tôi cũng đã tìm được lời giải đáp trong mộng, tôi cho rằng Trời (vị chủ sáng tạo ra mọi vật) đã gợi ý cho tôi điều đó.

(Còn tiếp)

Xem tiếp Phần 3

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2015/04/22/144902.说梦(2):传道授业的梦.html



Ngày đăng: 29-09-2015

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.