Bàn về giấc mơ: Khái luận (1/12)

Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org]

I. Khái luận:

Giấc mơ là một đề tài mà mọi người vẫn hay đề cập tới trong cuộc sống hàng ngày, và đây cũng là vấn đề vô cùng phức tạp. Dường như ai ai cũng từng nằm mơ, và có rất ít người không nằm mơ, cho nên đối với con người mà nói, đây cũng là một loại bản năng khi sinh ra đã có sẵn rồi. Khoa học hiện đại lý giải về giấc mơ như sau, giấc mơ là một loại trải nghiệm của bản thân con người, là những hình ảnh, âm thanh, suy nghĩ hay cảm xúc mà người đó tưởng tượng ra khi ngủ, thông thường là không tự nguyện.

Đây là nhận thức bề mặt nhất, cũng là nhận thức rất khách quan về giấc mơ. Nhà triết học thời Hy Lạp cổ đại Plato cho rằng: “Giấc mơ là sự nối tiếp cuộc sống hàng ngày của con người.” Ngành tâm lý học hiện đại của phương tây cũng rất quan tâm nghiên cứu về giấc mơ, họ cũng đưa ra rất nhiều cách giải thích khác nhau. Dưới cái nhìn của nhà tâm lý học, giấc mơ là sự thể hiện những tình cảm bị chôn sâu trong ý thức, việc nhớ lại những mảnh ghép của giấc mơ có thể giúp tiết lộ những tình cảm bị chôn giấu. Cũng có người cho rằng giấc mơ chủ yếu là để xử lý những tín tức có liên quan đến sự sinh tồn của con người, vì thế giấc mơ có thể giúp chúng ta có lý giải sâu sắc để đưa ra cách giải quyết các vấn đề liên quan đến sinh tồn. Còn có người cho rằng giấc mơ là quá trình đại não xử lý các tín tức mà ban ngày người ta đã tiếp xúc được, nó giúp chúng ta loại bỏ đi những tín tức vô dụng, từ đó giúp cho đại não tránh bị hỗn loạn tín tức. Còn có người cho rằng giấc mơ là một loại huyễn tượng không có nghĩa lý gì, một loại huyễn tượng sinh ra trong lúc đại não xử lý các tín hiệu ngẫu nhiên của cảm giác, v.v. nói chung là có rất nhiều cách giải thích khác nhau. Theo tôi thấy, những cách giải thích trên đều có lý nhưng chưa toàn diện và thấu đáo.

Về vấn đề này, nhận thức của người Trung Quốc cổ đại so với nhận thức của khoa học hiện đại có sự khác biệt rất lớn. Ví như trong cuốn Hoàng Đế Nội Kinh cho rằng: khi khí âm của cơ thể người quá thịnh thì có thể mơ thấy mình vượt qua sông lớn, đồng thời có cảm giác sợ hãi. Khi khí dương của cơ thể quá thịnh, có thể mơ thấy lửa cháy lớn, đồng thời còn cảm thấy hơi nóng bức bối. Khi khí âm và khí dương của cơ thể đều thịnh, thì có thể mơ thấy cảnh tượng tàn sát lẫn nhau. Khi các bộ phận phía trên cơ thể người có khí quá thịnh thì có thể mơ thấy cảnh tượng bay lượn; còn khi các bộ phận phía dưới cơ thể người có khí quá thịnh, có thể mơ thấy cảnh rơi từ trên cao xuống. Ăn quá no, có thể mơ thấy mình đưa đồ ăn cho người khác. Khi quá đói có thể mơ thấy người khác đưa đồ ăn cho mình. Khí ở gan quá thịnh, có thể mơ thấy sự việc gây cáu giận. Khí ở phổi quá thịnh, có thể mơ thấy sự việc đau lòng mà khóc lóc.

Đây là từ góc độ y học mà nhận thức về giấc mơ, nhiều lúc rất khớp với tình huống thực tế của chúng ta. Nhưng chẳng qua đây cũng chỉ là cách giải thích về giấc mơ bị hạn cuộc bởi nguyên nhân sinh lý của cơ thể người. Cũng có người cho rằng, ban ngày nghĩ điều gì thì ban đêm sẽ nằm mơ thấy điều đó, điều này cũng có lý, nhưng loại giải thích này chỉ thích hợp với giấc mơ có điều kiện. Bởi vì có rất nhiều giấc mơ không có quan hệ gì với những trải nghiệm trong cuộc sống và phương thức tư duy của chúng ta, ví dụ như những giấc mơ có thể báo trước tương lai, những giấc mơ có liên quan đến các sinh mệnh cao tầng hay các sinh mệnh cấp thấp v.v. Sau khi thu thập và nghiên cứu rất nhiều tài liệu lịch sử có liên quan đến giấc mơ, tác giả bài viết cho rằng nguyên nhân hình thành giấc mơ và mục đích con người nằm mơ đều vô cùng phức tạp, nếu chúng ta suy xét góc độ lịch sử có lẽ sẽ phát hiện thấy rất nhiều giấc mơ mang ý nghĩa lịch sử trọng đại, cho nên không thể đánh đồng nguồn gốc các giấc mơ đều như nhau.

Đương nhiên có rất nhiều giấc mơ không có ý nghĩa gì, chẳng hạn như những giấc mơ mà sau khi tỉnh dậy lại quên sạch không nhớ chút nào, hoặc giấc mơ có thể kể lại rõ ràng và đơn giản nhưng xác thực không có ý nghĩa gì. Những giấc mơ loại này không thuộc phạm vi bàn luận của chúng ta trong bài viết này, cho nên tạm thời không nhắc tới. Nhưng có nhiều giấc mơ mà nếu chúng ta đối đãi nghiêm túc và suy nghĩ kỹ lưỡng một chút, có lẽ sẽ phát hiện ra nó thật sự có ý nghĩa và có mục đích.

Chúng ta cũng biết rằng không thể đoán được mình sắp nằm mơ điều gì, cũng không thể tự nguyện nằm mơ điều gì. Có nghĩa là chúng ta đều bị động với hầu hết các giấc mơ, vậy thì chúng ta thử suy nghĩ xem liệu có nhân tố bên ngoài nào tham dự vào giấc mơ của chúng ta, thậm chí khống chế việc chúng ta mơ chăng? Nếu vậy thì giấc mơ chắc chắn không chỉ đơn giản là hiện tượng sinh lý hoặc hiện tượng tâm lý của mỗi cá nhân. Cũng có thể có sinh mệnh cao cấp đang lợi dụng giấc mơ để can thiệp trực tiếp vào cuộc sống cá nhân của chúng ta và sự phát triển của lịch sử xã hội nhân loại, nói đến đây có thể mọi người cảm thấy ngày càng huyền hoặc. Vậy trước tiên chúng ta hãy xem lại rất nhiều ghi chép lịch sử trong và ngoài Trung Quốc từ xưa đến nay liên quan đến giấc mơ, sau đó mọi người hãy suy ngẫm xem những điều tôi nói có lý hay không.

II. Các loại giấc mơ:

Trước khi đưa ra ví dụ, chúng ta hãy cùng thảo luận về các loại giấc mơ. Người Trung Quốc xưa trong các thời kỳ lịch sử khác nhau đều có các cách phân loại giấc mơ khác nhau. Ví như trong Châu Lễ thời Chiến Quốc phân giấc mơ thành 6 loại, gồm: chính mộng, ác mộng, tư mộng, ngụ mộng, hỷ mộng, cụ mộng (giấc mộng sợ hãi). Cuốn sách Mộng Liệt thời Đông Hán lại phân giấc mộng thành 10 loại gồm: trực mộng, tượng mộng, tinh mộng, tưởng mộng, nhân mộng, cảm mộng, thời mộng, phản mộng, bệnh mộng, tính mộng. Thời kỳ giữa triều Minh xuất hiện cuốn Mộng Chiêm Dật Chỉ cho rằng giấc mơ có thể quy thành 9 loại: khí thịnh, khí hư, tà ngụ, thể trệ, tình dật, trực diệp, bỉ tượng, phản cực, lệ yêu. Các cách phân loại trên đều mang tính chuyên sâu. Ngoài ra, trong giới y học, giới tôn giáo cho tới giới học thuật đều có những phương pháp phân loại khác nhau, ở đây chúng ta không liệt kê chi tiết.

Trên đây là các cách phân loại giấc mơ của các thầy bói chuyên nghiệp thời cổ xưa. Vấn đề mà chúng tôi muốn thảo luận có sự khác biệt với người xưa, cho nên để thuận tiện cho việc chứng minh các quan điểm của mình, chúng tôi cũng cần có phương pháp phân loại riêng.

Theo tôi thấy, xét về mặt chỉnh thể, giấc mơ của con người có thể phân thành hai loại: loại thứ nhất là có ý tứ rõ ràng, loại thứ hai là loại có ẩn chứa huyền cơ. Nhưng hai cách phân loại này đều rất chung chung, nếu nói chi tiết, cụ thể hơn có thể phân thành hơn 10 loại như sau: giấc mơ dự ngôn về tương lai, giấc mơ truyền đạo thụ nghiệp, giấc mơ có liên quan đến sinh nở, giấc mơ liên quan đến tử vong, giấc mơ liên quan đến người đã mất, giấc mơ liên quan đến quỷ thần, giấc mơ liên quan đến động vật, giấc mơ liên quan đến chữ viết, giấc mơ có liên quan đến tôn giáo, giấc mơ có ý nghĩa cảnh báo và giấc mơ đặc thù, v.v, phương pháp phân loại này vừa giúp cho mọi người dễ lý giải, vừa giúp làm rõ quan điểm của chúng tôi.

Trước khi đưa ra ví dụ để thuyết minh quan điểm của chúng tôi, cần phải nói rõ với mọi người một điểm, trong số những ví dụ được kể ra trong bài viết, rất nhiều ví dụ có nguồn gốc trong chính sử, chẳng hạn như Sử Ký, Hán Thư, Tư Trị Thông Giám v.v, ngoài ra còn có rất nhiều những ghi chép của các văn nhân. Ví như Sưu Thần Ký của nhà sử học nổi tiếng Can Bảo thời Lưỡng Tấn, Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký của Kỷ Hiểu Lam – học giả nổi tiếng triều Thanh, v.v. Người cận đại coi Sưu Thần Ký của Can Bảo là tiểu thuyết ghi lại những câu chuyện quái dị, thực ra không hề đơn giản như vậy. Lý do Can Bảo viết Sưu Thần Ký thì trong Tấn Thư có ghi chép: “Phụ thân Can Bảo khi còn sống rất sủng ái một thị nữ, vì thế mà thị nữ này bị mẹ của Can Bảo ghen tức, đến khi cha Can Bảo qua đời, mẹ của Can Bảo liền đẩy thị nữ đó xuống mộ chôn cùng chồng. Khi đó anh em Can Bảo vẫn còn nhỏ tuổi nên không hiểu chuyện gì. Mười mấy năm sau, mẹ của Can Bảo cũng qua đời, khi họ mở phần mộ của cha ra để chôn mẹ xuống cùng, thì nhìn thấy người thị nữ nằm sấp trong quan tài và sắc mặt vẫn như còn sống, họ liền chở cô về nhà, một ngày trôi qua cô tỉnh lại. Cô nói là cha của Can Bảo thường xuyên cung cấp cho cô đồ ăn thức uống, ông vẫn yêu thương cô như lúc còn sống, hơn nữa cô có thể kể lại mọi việc tốt việc xấu trong nhà, sau khi kiểm chứng phát hiện cô đều nói rất đúng, cho dù bị chôn dưới đất nhưng cô vẫn có thể biết mọi chuyện. Sau này nhà Can Bảo gả cô đi, cô còn sinh được một đứa con. Còn một người anh em của Can Bảo mắc bệnh chết, đã tắt thở mấy ngày rồi mà cơ thể vẫn ấm, rồi sau đó tỉnh lại, và kể về việc đã nhìn thấy quỷ thần, giống như mơ một giấc mơ, nhưng lại không biết mình đã chết rồi. Từ đó Can Bảo viết một bộ sách tập hợp các câu chuyện thần tiên quỷ quái biến hóa kỳ dị, đặt tên là Sưu Thần Ký, tổng cộng có 30 cuốn.” Vì thế chúng ta biết được nguyên nhân Can Bảo viết Sưu Thần Ký là do ông đã trải nghiệm những điều thần kỳ xung quanh mình, hơn nữa Sưu Thần Ký lại có độ tin cậy rất cao. Trong Tấn Thư còn ghi chép: “Trong lời tựa cuốn sách, Can Bảo viết: Mặc dù dựa theo trí nhớ mà ghi chép lại, thu thập những câu chuyện thất truyền thời đó, đa phần không phải đích thân tai nghe mắt thấy nhưng cũng dám chắc là không mất đi tính chân thực.” Thái độ của Can Bảo tại đây rất nghiêm túc, cẩn thận, ông cố gắng đảm bảo tính chân thực và có thể tra cứu, dù cho có chút sai lệch cũng chỉ rất nhỏ.

Kỷ Hiểu Lam là học giả nổi tiếng triều đại nhà Thanh, ông nổi tiếng với kiến thức uyên bác và khả năng nghiên cứu chặt chẽ, cẩn thận, cho nên một người như ông không cần phải tạo ra những câu chuyện vô căn cứ để tự hạ thấp bản thân mình. Còn một số những ví dụ về giấc mơ là bút ký có nguồn gốc từ những người tu hành thời cổ đại, cho nên chúng tôi cũng có thể xác định đây đều là những sự việc chân thực đáng tin.

20131119080038116

Kỷ Hiểu Lam (Nguồn: Secret China)

1. Giấc mơ báo trước tương lai

Loại giấc mơ báo trước tương lai này rất hay gặp, chẳng hạn mọi người có thể từng có trải nghiệm thế này, chúng ta có cảm giác vô cùng quen thuộc đối với một cảnh tượng nào đó trong cuộc sống thường ngày, dường như đã gặp cảnh này ở đâu đó, thậm chí chúng ta có thể nhớ rất rõ những chi tiết nhỏ như cách ăn mặc, trang điểm, tư thế tay, ánh mắt, lời nói của người nào đó. Tuy nhiên, nguồn gốc của những tín tức này đa phần đều đến từ những giấc mơ, nhưng do lúc đó không có quan hệ trực tiếp với mình nên chúng ta cũng không để ý. Tất nhiên cũng có rất nhiều cảnh tượng trong giấc mơ để lại ấn tượng sâu sắc, những ví dụ như thế này đều xuất hiện ở cả trong và ngoài nước Trung Quốc từ xưa đến nay, và cũng xuất hiện ở nhiều phương diện, dưới đây chúng tôi đưa ra ví dụ để làm rõ hơn.

Ví dụ 1: Theo Sử Ký ghi chép, Phó Thuyết là hiền thần nổi tiếng thời kỳ Ân Thương, vốn phải chịu nô dịch cực khổ. Vua nhà Thương là Vũ Đinh sau khi gặp ông trong mộng, đã đi tìm ông. Nhờ sự giúp đỡ của Phó Thuyết, thời thịnh thế huy hoàng nổi tiếng trong lịch sử “Vũ Đinh trung hưng” của triều Thương đã được gây dựng, sự việc cụ thể như sau:

Sau khi hoàng đế Tiểu Ất nhà Ân qua đời, con trai ông là Vũ Đinh lên kế vị. Vũ Đinh muốn phục hưng nhà Ân nhưng mãi vẫn không tìm được đại thần phụ tá phù hợp. Thế là trong ba năm Vũ Đinh không có chủ trương chính trị gì, chính sự đều do chủng tế (tên chức quan) quyết định, còn bản thân ông cẩn thận quan sát tình hình đất nước. Một đêm ông mơ thấy một vị Thánh nhân tên là Thuyết. Hôm sau, ông chiểu theo hình dáng người ông nhìn thấy trong mộng mà quan sát quần thần và bách quan, nhưng không có một ai giống như vị Thánh nhân kia. Ông bèn phái các quan đi tìm khắp nơi, cuối cùng tìm thấy Thuyết tại Phó Nham. Lúc đó Thuyết đang phục dịch sửa đường tại Phó Nham, quan viên liền dẫn Thuyết tới cho Vũ Đinh xem, Vũ Đinh nhìn thấy liền nói chính là người này. Sau khi tìm thấy Thuyết, Vũ Đinh liền nói chuyện với ông thì phát hiện quả đúng là vị Thánh hiền, và cho ông đảm nhận chức tướng quốc, nhà Thương từ đó mà được trị vì rất tốt. Vì thế ông đã dùng tên địa danh Phó Nham làm họ của Thuyết, gọi là Phó Thuyết.

Ví dụ 2: Theo Hậu Hán Thư ghi chép, Trương Hoán thời Đông Hán giữ chức thái thú của quận Vũ Uy, vợ của ông mơ thấy bà đang mang theo ấn quan của chồng leo lên thành lầu ca hát. Tỉnh dậy, bà đem chuyện này kể lại cho Trương Hoán, Trương Hoán kêu người bói quẻ, người bói quẻ nói: “Phu nhân sắp sinh con trai, về sau nó sẽ cai quản quận này và chết trên lầu này.” Sau đó vợ Trương Hoán sinh được người con trai tên là Trương Mãnh. Trong những năm Kiến An của Hán Hiến Đế, Trương Mãnh quả nhiên nhậm chức thái thú quận Vũ Uy, giết chết Hàm Đan Thương—thứ sử quận Ung Châu, sau đó quân của Hàm Đan Thương vây kích quận Vũ Uy, Trương Mãnh không chịu nhục bị bắt làm tù binh, liền leo lên thành lầu tự thiêu mà chết.

Ví dụ 3: Cháu trai của nhà thư pháp triều Tấn —thánh thư Vương Hy Chi— là Vương Tuần (350-401), làm đến chức thượng thư lệnh, Hiếu Vũ Đế Tư Mã Xương Minh, thường ngày thích đọc sách cổ, Vương Tuần và Ân Trọng Kham, Từ Mạc, Vương Cung, Si Khôi, v.v. đều nhờ tài học văn chương mà được Hiếu Vũ Đế biết đến. Tấn Thư có ghi chép ông từng mơ thấy một người tặng ông cây bút Như Chuyên, tỉnh dậy ông kể lại: “Giấc mơ này báo sẽ có việc ghi chép lớn.” Ý nghĩa là điều này dự báo sắp có nhiệm vụ ghi chép to lớn nặng nề. Không lâu sau có tin tức hoàng đế băng hà, trong thời gian lo việc tang, tất cả những điếu văn kể về công lao sự tích của vua đều do một mình Vương Tuần viết. Việc này được ghi chép trong Tấn Thư quyển 65 “Vương đạo liệt truyện – Vương Tuần”.

Ví dụ 4: Sau khi bắt được cha con Đặng Ngải, Chung Hội đến Thành Đô trục xuất Đặng Ngải rồi làm phản loạn. Sau khi Chung Hội bị giết, tướng sĩ thuộc bản doanh của Đặng Ngải đuổi theo xe tù đang áp giải Đặng Ngải và đón ông trở về. Vệ Quán phái Điền Tự đón đường để thảo phạt Đặng Ngải, dự tính rằng tại Miên Trúc mượn rượu để tương ngộ với Đặng Ngải, và giết chết ông. Con trai Đặng Ngải là Đặng Trung cùng Đặng Ngải đều bị giết chết, những người con khác của ông ở Lạc Dương cũng đều bị sát hại, còn vợ và cháu thì bị lưu đày tới Tây Vực.

Mới đầu, khi Đặng Ngải đang chinh phạt nước Thục, mơ thấy mình đang ngồi trên núi, mà trên núi lại có nước chảy, ông đem cảnh tượng thấy trong mộng hỏi ý Điển Lỗ Hộ Quân Ái Thiệu. Ái Thiệu nói: “Theo quẻ tượng trong Kinh Dịch, trên núi có nước gọi là ‘Kiển’. Lời trong quẻ Kiển nói: ‘Kiển lợi vu tây nam, bất lợi vu đông bắc.’ (Quẻ Kiển lợi theo hướng tây nam, bất lợi theo hướng đông bắc). Tôn Tử nói: ‘Kiển lợi theo hướng tây nam, biểu thị phía trước dù đi chỗ nào cũng sẽ có công lao lợi lộc; bất lợi theo hướng đông bắc, biểu thị đã đi tới đường cùng.’ Lần này ngài đi chinh phạt ở tây nam nhất định sẽ đánh chiếm được Thục Quốc, nhưng có lẽ không trở về được nữa!” Đặng Ngải tâm trí hoang mang buồn rầu. (Trích từ Tam Quốc Chí)

Ví dụ 5: Theo Thái Bình Quảng Ký thời đầu Bắc Tống ghi chép, thừa tướng Triệu Cảnh triều Đường khi làm phó sứ đi sứ sang nước lân cận, đã nói với hai vị phán quan họ Trương: “Xa phía trước vài dặm có một con sông, ven sông có một cây liễu, có một vị quan viên đứng dưới gốc cây liễu.” Rồi họ đi được một lát, quả nhiên nhìn thấy cảnh vật giống hệt như Triệu Cảnh nói, vị quan viên đó chính là quan quản lý trạm dịch (trạm dịch là nơi mà người truyền văn thư đi giữa đường đổi ngựa nghỉ ngơi). Hai vị phán quan hỏi Triệu Cảnh làm sao biết được. Triệu Cảnh nói: “Trước lúc ta 30 tuổi đã mơ thấy chuyến đi này, cho nên ta không oán trách thừa tướng lúc đó.” Thừa tướng Triệu Cảnh gần trước lúc chết, các binh lính giữ các cổng thành Trường An đều nhìn thấy một đứa trẻ đeo tạp dề da báo và một sợi dây ngũ sắc, đi tìm thừa tướng Triệu Cảnh, những người nhìn thấy đứa bé đó đều biết là điềm không may. Vài ngày sau Triệu Cảnh chết.

Ví dụ 6: Vương Phan thời Đường, năm thứ năm Nguyên Hòa (Nguyên Hòa: niên hiệu của Đường Hiến Tông Lý Thuần) thi đỗ tiến sĩ, một hôm ông mơ thấy mình làm quan ở Hà Nam, ban ngày khi ông đang xử lý công việc thì có hai người khách đến, một người mặc quần áo màu tím ngồi hướng đông, một người mặc quần áo màu đỏ ngồi hướng tây. Người mặc quần áo màu đỏ hỏi người mặc quần áo màu tím: “Luân Bang xử trí thế nào?” Người mặc quần áo tím trả lời: “Đã đánh 20 gậy, đuổi ra khỏi khu vực Lạc Dương rồi.” Tỉnh dậy, Vương Phan ghi chép sự việc mơ thấy vào phía sau cuốn sổ nhật ký công vụ. Hai mươi năm sau, quả nhiên ông làm phủ doãn Hà Nam. Sau ông khi nhậm chức, có hai vị huyện lệnh Lạc Dương và phân tư Lang Quan (phân tư: vào triều Đường Tống, quan viên trung ương nhậm chức ở Lạc Dương, gọi là phân tư) đều là bạn cũ trước đây, trong tiệc rượu mọi người đều thoải mái nên nói năng tùy tiện. Lang Quan hỏi huyện lệnh: “Luân Bang xử trí thế nào?” Huyện lệnh đáp: “Đã đánh 20 gậy, đuổi ra khỏi khu vực Lạc Dương rồi.” Vương Phan nghe xong, lập tức chạy vào trong phòng, hồi lâu vẫn không thấy ra. Hai vị khách kinh ngạc nói: “Hai người chúng tôi vừa nãy nói năng hơi tùy tiện, có lẽ Vương phủ doãn không vui.” Lát sau, Vương Phan cầm ra cuốn sách ghi chép công vụ, lật ra những ghi chép năm xưa cho hai người họ xem. Thì ra người vừa nói đến hồi nãy là gia nô của Lang Quan gia, hắn ăn cắp đồ của Lang Quan gia và bỏ trốn, sau khi bị bắt và giải đến huyện nha, huyện lệnh đã đưa ra phán quyết như vậy. (Trích từ Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 7: Thôi Nguyên Tông sau khi tòng quân ở Ích Châu, muốn kết hôn, thời gian đã định xong, bỗng nhiên có một giấc mơ, trong giấc mơ có một người nói với anh: “Người con gái nhà này không phải nàng dâu nhà anh, nàng dâu của anh hôm nay mới chào đời.” Trong mơ anh bèn đi theo người trong mộng này đến một hộ gia đình ở ngã tư phố Tây Đạo Bắc, phường Lữ Tín ở Đông Kinh, tiến vào căn phòng phía đông trong sân, anh nhìn thấy một người phụ nữ vừa hạ sinh một bé gái. Người dẫn anh đến đó nói với anh: “Đây mới là nàng dâu của anh.” Thôi Nguyên Tông kinh ngạc từ trong mơ tỉnh dậy, nhưng anh không tin sự việc trong giấc mơ. Lúc này có tin báo rằng người con gái mà anh muốn lấy làm vợ đột nhiên tử vong. Từ đó về sau anh thăng quan cho đến hàng quan tứ phẩm, đến 58 tuổi mới kết hôn với em họ của thị lang Vi Trắc. Tân nương khi đó mới 19 tuổi. Mặc dù nhà gái thấy tuổi tác của Thôi Nguyên Tông đã lớn nhưng vẫn gả cho anh. Hôn lễ được tổ chức tại nhà của họ Vi ở phường Lữ Tín, hóa ra tân nương tử ở phòng phía đông. Tính ra thời gian mà cô sinh ra cũng chính là ngày mà Thôi Nguyên Tông nằm mơ, Thôi Nguyên Tông sau này thăng quan làm đến quan tam phẩm, sống đến 90 tuổi. Vi phu nhân sống cùng ông đến đầu bạc răng long, họ sống cùng nhau được 40 năm, hưởng tận vinh hoa phú quý. (Trích từ Định mệnh lục)

Ví dụ 8: Tiểu thuyết gia Trương Trạc thời Đường từng mơ thấy một con chim lớn màu tím, từ trên bầu trời bay xuống đậu trước cổng nhà ông không muốn rời đi. Ông kể chuyện này với ông nội mình, ông nội nói: “Đây là điềm báo may mắn đấy! Năm xưa Thái Hằng nói: ‘Loài chim Phượng có 5 loại, trong đó màu đỏ là chim Phượng, màu xanh lam là chim Loan, màu vàng là chim Uyên, màu trắng là chim Hồng Hộc (Thiên Nga), màu tím gọi là Nhạc Trạc Phượng Hoàng.’ Loại mà con thấy là phụ trợ của Phượng Hoàng, tương lai con có thể phò tá đế vương chấp chính đấy.” Vậy là ông bèn lấy tên cho cháu là Trương Trạc. Sau khi Trương Trạc thi đỗ tiến sĩ, đi đến Hoài Châu, mơ thấy chòm mây cát tường che trên người ông. Trong năm này ông ứng đáp câu hỏi của triều đình, quan chủ khảo thấy ông có học vấn cao thâm, xứng đáng là đệ nhất thiên hạ, sau đó ông trở thành thuộc hạ của Kỳ Vương. Buổi tối, ông mơ thấy mình mặc quần áo màu đỏ cưỡi trên thân lừa. Trong giấc mơ ông còn trách mình, mình nên mặc xiêm y màu xanh và cưỡi ngựa chứ, sao lại mặc đồ màu đỏ và cưỡi lừa được? Khoa cử năm đó ông lại thi đỗ, được nhậm chức Hồng lư thừa. Về sau không cần thi ông lại được ban cho chức quan ngũ phẩm. Điều này đã ứng nghiệm giấc mơ mơ thấy con chim lớn khi xưa. (Trích từ Triều Dã Thiêm Tải quyển 3)

Ví dụ 9: Phan Giới đã từng nói, trước mỗi lần tham gia thi cử tuyển quan chức, nhất định sẽ có mộng báo trước. Năm đó, ông và Triệu Tự Cần cùng đi ứng thí, bài thi đều đã trình lên công đường, nhưng thời gian dài vẫn chưa công bố kết quả. Sau đó Phan Giới nói, ông đã nằm mơ thấy rồi, kết quả sắp được công bố. Ông mơ thấy mình và Triệu Tự Cần đều được chọn, hai người cùng đến cảm tạ quan chủ khảo, ông đi trước, Triệu Tự Cần đi theo sau. Đến trước công đường, Phan Giới ở hướng đông, Triệu Tự Cần ở hướng tây, hai người nhìn nhau cùng cười. Mấy ngày sau, kết quả thi cuối cùng cũng được công bố, Phan Giới được phong làm ngự sử, Triệu Tự Cần được phong làm thập di. Cùng một ngày hai người họ cùng đến cảm tạ quan chủ khảo. Quan chủ khảo dẫn hai người tiến cử cho hoàng đế, Phan Giới đi phía trước, Triệu Tự Cần đi theo sau. Đến điện, Phan Giới đứng phía đông, Triệu Tự Cần đứng phía tây, hai người nhìn nhau mỉm cười, giống hệt như trong giấc mơ. (Trích từ Định Mệnh Lục)

Ví dụ 10: Tháng 10 năm thứ hai tại Túc Tôn, Hiếu Xương, thứ sử Dương Châu Lý dâng tấu chương nói: “Môn hạ đốc Châu Phục Hưng tháng 07 năm ngoái bị bệnh nên xin nghỉ về nhà, đến đêm ngày 11 mơ thấy vượt qua Phì Thủy, đi đến phía nam Thảo Đường Tự, xa xa nhìn thấy bảy người, một người cưỡi ngựa mặc áo đỏ thắm, đội mũ quan, sáu người theo sau. Châu Phục Hưng đứng bên trái đường, đợi bảy người đến gần liền làm lễ hai vái. Họ liền hỏi Châu Phục Hưng là người như thế nào. Châu Phục Hưng trả lời: ‘Lý Công môn hạ đốc, tạm thời nhận lệnh đến Hiệp Thạch.’ Người kia nói với Châu Phục Hưng: ‘Anh có thể quay về, ta là trung thư xá nhân của Hiếu Văn Đế, nhận lệnh đến nói chuyện với Khuê Tắc, không cần lo lắng việc ngăn giặc, trong tháng này nhất định đánh bại chúng.’ Châu Phục Hưng đi được hai bước, người đó lại hỏi danh tính Châu Phục Hưng, rồi để Châu Phục Hưng nhanh chóng trở về báo cáo. Sau khi Châu Phục Hưng tỉnh dậy, trời sáng ông bèn trở về Thành Quả, đem những điều thấy trong mộng báo lên trên. Ngày 27 tháng 07, kẻ địch quả nhiên bị đánh tan.” (Lấy từ Ngụy Thư)

Ví dụ 11: Nhà văn nổi tiếng triều Thanh —Kỷ Hiểu Lam— trong tác phẩm tiêu biểu Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký của ông có ghi chép một chuyện như thế này: Năm Càn Long thứ 42, cử nhân Qua Trọng Phường có tham gia thi hương, trong mơ ông đến một nơi, nhìn thấy đề trên bình phong mấy bài thơ tứ tuyệt. Tỉnh lại ông vẫn nhớ hai câu trong đó: “Tri thị Bồng Lai đệ nhất tiên, nhân hà thanh thiển kỷ đa niên?” Năm Càn Long thứ 57, ông gặp người Cảnh Châu họ Lý tại Hà Gian, bỗng nhiên nói về việc này. Người họ Lý kinh ngạc nói: “Đây là bài thơ Vịnh mai mà người thân viết lên bức bình phong cho gia đình tôi, câu thơ không có gì xuất sắc, không biết sao lại lọt vào giấc mơ của ngài.”

Ví dụ 12: Thẩm Quát là nhà khoa học, chính trị gia nổi tiếng thời Bắc Tống. Năm cuối đời tại Mộng Khê Viên ở Trấn Giang đã viết cuốn Mộng Khê Bút Đàm. Về lai lịch hai chữ “mộng khê” này, trong phần mở đầu của Mộng Khê Bút Đàm có ghi lại như sau:

Khi ông gần 30 tuổi, từng nằm mộng thấy đi đến một nơi, leo lên một ngọn núi nhỏ, hoa cỏ cây cối như tấm vải lụa che phủ, dưới núi có nước trong vắt nhìn thấy đáy, trên núi lại có cây đại thụ tỏa bóng che mát. Trong mộng ông vô cùng thích nơi này, muốn được quay lại đây. Từ năm đó trở đi, một hai lần hoặc ba bốn lần ông đều nằm mơ đến nơi đó, quen thuộc như thể thường ngày vẫn dạo chơi qua. Hơn 10 năm trôi qua, ông bị giáng chức đến Tuyên Thành làm thái thú, nơi đó có một Đạo nhân kể cho ông nghe về cảnh đẹp sông núi ở Kinh Khẩu, còn nói rằng trong huyện có người đang muốn bán một khu vườn. Vậy là Thẩm Quát liền dùng 30 vạn quan tiền để mua nó, nhưng lại chưa từng đến đó lần nào. Lại sáu năm trôi qua, Thẩm Quát vì thương nghị việc chiến thủ vùng biên giới mà chịu tội bị giáng chức, mua một căn nhà tại Uất Đẩu Động ở Tầm Dương, dự định sẽ ngao du ở Lư Sơn đến cuối đời. Năm đầu Nguyên Hựu, Thẩm Quát đến Kinh Khẩu, đến khu vườn mà vị Đạo nhân đã chuẩn bị, phảng phất như nơi này đã từng du lãm qua trong mộng. Ông cảm thán nói: “Duyên phận của ta chính là ở nơi đây.” Vậy là ông đã từ bỏ căn nhà tại Tầm Dương, dựng một chỗ ở tại vùng ven Kinh Khẩu. Nơi đây cây cối tươi tốt um tùm, nước từ khe núi chảy ra, quanh co uốn lượn, nên được gọi là “Mộng Khê”…

414OdRoDZxL._SX330_BO1,204,203,200_

Bìa cuốn Mộng Khê Bút Đàm bản dịch tiếng Anh, dịch bởi Gil McElroy (Nguồn: Amazon)

Ví dụ 13: Sử quan Hàn Lâm Viện Uông Thủ Hòa thời còn là chư sinh (học sinh đỗ tú tài được chọn để học tiếp), có một đêm nằm mơ thấy ông ngoại Sử Nhĩ Huề đưa một người đến nhà ông, ông ngoại chỉ vào người này và nói với Uông Thủ Hòa: “Người này là đồng niên của ta, tên Kỷ Hiểu Lam, tương lai ông ấy sẽ là thầy của con.” Uông Thủ Hòa trong mộng liền lặng lẽ ghi nhớ tướng mạo và trang phục của Kỷ Hiểu Lam. Sau này Uông Thủ Hòa tham gia khoa cử của triều đình, vừa khéo lại gặp Kỷ Hiểu Lam duyệt bài, ông chấm cho Uông Thủ Hòa đỗ cao. Uông Thủ Hòa được trao chức quan và sau đó yết kiến Kỷ Hiểu Lam, bèn nhắc tới sự việc trong mơ, mô tả tướng mạo và trang phục của Kỷ Hiểu Lam giống hệt như trong giấc mơ. (Trích từ Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký)

Ví dụ 14: Lý Nguyên Trung là người quận Bá Nhân nước Triệu. Ông cố nội Lý Linh nhậm chức thứ sử và cự lộc công ở Ngụy Định Châu. Ông nội Lý Khôi, nhậm chức Trấn Tây tướng quân. Cha là Lý Hiển Phủ, nhậm chức thứ sử An Châu. Thời kỳ đầu khi Nguyên Trung sắp làm quan, có mơ thấy tay mình cầm đuốc tiến vào mộ huyệt của cha, nửa đêm kinh hãi tỉnh dậy, không thích giấc mơ đó. Trời vừa sáng, Nguyên Trung đem giấc mơ này kể lại cho thầy mình, thầy của Nguyên Trung bói quẻ rồi nói: “Đại cát, giấc mơ này nói rằng con sẽ làm rạng rỡ tổ tiên, cuối cùng sẽ phú quý phát đạt đấy.” Cuối cùng con trai Lý Nguyên Trung là Lý Tao được kế thừa bổng lộc và chức quyền. (Trích từ Bắc Tề Thư)

Ví dụ 15: Thời kỳ Bắc Tống, thời niên thiếu Vương Hậu Chi từng mơ thấy có người nói với ông, tương lai ông sẽ làm học sĩ Hàn Lâm, hơn nữa mấy anh em ông cũng làm trong Hàn Lâm Viện. Nguyên Hậu Chi nghĩ bản thân mình trước nay không có anh em nào, cho rằng giấc mơ này không đúng. Trong những năm Hy Ninh, Hậu Chi được làm học sĩ, những học sĩ trước sau cùng ông vào Hàn Lâm Viện có: Hàn Duy, tự Trì Quốc; Trần Dịch, tự Hòa Thúc; Đặng Quán, tự Văn Yêu; Dương Hội, tự Nguyên Tố. Thêm Nguyên Hậu Chi, tự Nguyên Giáng, tên của năm người đều có bộ “mịch – 系” trong đó, Nguyên Hậu Chi mới hiểu cách nói mấy anh em đều làm trong Hàn Lâm Viện trong giấc mơ. (Trích từ Mộng Khê Bút Đàm)

Ví dụ 16: Năm Đinh Mão, thời Minh Chính Tông, ở Hồ Quảng có một vị quan viên trên đường đi nhậm chức mơ thấy trên bảng vàng bỗng nhiên viết: Đứng đầu bảng, Bành Thời. Khi đó cuộc thi chưa bắt đầu, vị quan viên này tỉnh dậy bán tín bán nghi, liền viết chuyện này ra giấy. Sau này, một thí sinh tên Bành Thời quả thật đã trở thành trạng nguyên. Trước cuộc thi một tháng, hoàng đế Anh Tông cũng có giấc mơ tương tự, mơ thấy ba nhân vật Nho giáo, Thích giáo, Đạo giáo tiến đến phía trước bái yết. Sau khi Anh Tông tỉnh dậy, lo sợ nghi hoặc không hiểu thế nào. Sau này khi công bố danh sách xong mới đột nhiên tỉnh ngộ. Thì ra ba người này chính là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa của năm đó. Thi đỗ trạng nguyên là nho sĩ Bành Thời, bảng nhãn Trần Giám thuở nhỏ từng ở nhờ tại Thần Lạc Quan, thám hoa Khâu Chính thuở thiếu thời từng làm người ghi chép trong Khánh Thọ Tự. (Trích từ Trạng Nguyên Sự Lược)

Ví dụ 17: Hoàng hậu Cao Thị (Cao Chiếu Dung) của hoàng đế Hiếu Văn Chiêu là em gái của tư đồ công Cao Triệu. Cha là Cao Dương, mẹ là Cái Thị, có bốn con trai và ba con gái đều sinh ra ở vùng biên giới xa xôi phía đông. Năm đầu Cao Tổ, cả gia đình mới chuyển về phương tây, đến Long Thành trấn, vị tướng cai quản trấn đó dâng tấu nói rằng hoàng hậu đức hạnh thiện lương, nhan sắc diễm lệ, có thể tiến vào hậu cung. Sau khi đến cung, thái hậu Văn Minh đích thân đến Bắc Bộ Tào, nhìn thấy dung mạo hoàng hậu, bà cho rằng cô rất đặc biệt, thế là cho phép nhập cung, năm đó hoàng hậu Hiếu Văn 13 tuổi.

Năm xưa, khi hoàng hậu còn nhỏ từng mơ thấy mình đứng trong đường thất (nhà chính), ánh sáng Mặt Trời từ cửa sổ chiếu vào bà, sáng rõ mà lại vô cùng nóng, hoàng hậu tránh đông tránh tây, nhưng ánh Mặt Trời vẫn chiếu vào người không dừng. Cứ như vậy mấy đêm, hoàng hậu cảm thấy kỳ lạ, liền đem chuyện kể lại cho cha là Cao Dương, Cao Dương đem chuyện này đi hỏi Mẫn Tông người Liêu Đông. Mẫn Tông nói: “Đây là điềm báo đặc biệt kỳ lạ, tôi không thể diễn tả bằng lời.” Cao Dương nói: “Dựa vào đâu mà biết chứ?” Mẫn Tông nói: “Mặt Trời là đức tính của quân chủ, là tượng trưng của đế vương. Ánh sáng chiếu lên người của con gái ông, nhất định có sắc phong cho cô ấy, cô ấy tránh nhưng vẫn bị ánh mặt trời chiếu rọi, là quân chủ đến cầu hôn trước, cô ấy bất đắc dĩ phải đồng ý. Lúc trước đã từng có người mơ thấy Mặt Trăng tiến vào bụng, và sinh hạ Thiên tử, huống hồ đây là điềm báo ánh Mặt Trời chiếu rọi chứ? Cô gái này tất sẽ phải nhận sắc phong của hoàng đế, còn sinh con cho quân chủ nữa.” Cuối cùng cô sinh hạ được hai trai một gái, tức Bắc Ngụy Tuyên Võ Đế Nguyên Cách, Quảng Bình Võ Mục Vương Nguyên Hoài và con gái Trường Lạc Quận Trường công chúa Nguyên Anh. (Trích từ Ngụy Thư)

Ví dụ 18: Theo truyền thông đưa tin, Carl Gustay Jung, là người sáng lập trường phái “Tâm lý học phân tích” và là một bác sĩ khoa thần kinh nổi tiếng Thụy Sỹ. Ông có những thành tựu xuất sắc về phương diện lý giải các giấc mơ. Theo ước tính của ông, bản thân ông đã lý giải tổng cộng hơn 80.000 giấc mơ.

Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, Gustay Jung đã mơ thấy cảnh tượng chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Thực ra trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, rất nhiều người châu Âu cũng đều mơ thấy cảnh tượng chiến tranh bùng nổ.

Ví dụ 19: Đầu năm 2010, khi đó tôi đang dạy lớp luyện thi tốt nghiệp, sau khi công bố kết quả vòng một kỳ thi cấp ba ở khu vực, thành tích của trường chúng tôi hơi kém một chút so với thành tích của trường bạn được coi là đối thủ cạnh tranh, nên tổ trưởng tổ bộ môn của chúng tôi Tiểu Điền đã bị lãnh đạo phê bình, lại còn yêu cầu lần thi sau nhất định phải vượt thành tích của trường kia. Lúc đó Tiểu Điền bị áp lực rất lớn, cậu ấy muốn nhờ tôi bói một quẻ xem lần thi tới có thành tích cao hơn không. Lúc đó tôi cũng không xem quẻ, có điều tối hôm đó trước khi đi ngủ có nghĩ về vấn đề này, do đó tôi đã mơ một giấc mơ. Trong mơ tôi thấy các đồng nghiệp trong phòng tôi cùng các thầy cô của trường bạn kia cùng nhau tham gia hoạt động nghiên cứu, trong mơ lúc đó có một cảnh tượng làm tôi ấn tượng rất sâu sắc, đó là nhìn thấy Tiểu Điền đang đứng trước mặt tổ trưởng tổ bộ môn của trường bạn và nói gì đó, hơn nữa vẻ mặt lộ ra nụ cười đắc ý. Sau khi tỉnh dậy tôi mới hiểu được ý nghĩa của giấc mơ này, ngày hôm sau đi làm tôi nói với Tiểu Điền: “Anh cứ yên tâm đi, lần thi sau thành tích của chúng ta sẽ vượt họ.” Quả đúng là trong vòng thi thứ hai toàn thành phố, thành tích của chúng tôi cao hơn trường bạn. Sự việc này hơn 10 đồng nghiệp trong phòng chúng tôi đều biết.

Ví dụ 20: Hè năm 2010, trước kỳ thi đại học khoảng một tháng, tổ trưởng Tiểu Điền nửa đùa nửa thật nói với tôi: “Lần này có thể phiền cậu lại mơ xem đề thi thế nào không?” Lúc đó tôi cười nói với anh ấy: “Nằm mơ khó lắm, không giống như làm văn xác định chủ đề trước rồi nội dung đâu, nhưng tôi cứ thử xem sao.” Tối hôm đó, tôi nghĩ về vấn đề đó trước khi đi ngủ và mơ một giấc mơ rất rõ ràng: Khi trời vừa mới tờ mờ sáng, tôi đi ra ngoài tản bộ, nhìn thấy thủ tướng đương nhiệm họ Ôn đang vội vã đi phía trước, tôi đi theo phía sau ông ta, còn nhìn thấy bên đường có mấy người lớn tuổi đang ngồi nói chuyện, trong đó có một ông lão chào hỏi ông: “Thủ tướng đi đâu vội vã thế?” Thủ tướng nói với ông lão: “Tôi phải đi đến hội nghị ở phía trước để diễn giảng”. Ông lão hỏi tiếp: “Diễn giảng vấn đề gì vậy?” Thủ tướng nói: “Là liên quan tới ‘Phú Xuân Sơn Cư Đồ’.” Ông ấy vừa nói dứt lời, tôi liền tỉnh dậy. Ngày hôm sau đến phòng làm việc, tôi nói với Tiểu Điền: “Tôi mơ thấy một đề mục, có lẽ sẽ xuất hiện trong đề thi đại học, là ‘Phú Xuân Sơn Cư Đồ’, hãy bảo các giáo viên mỹ thuật của chúng ta chuẩn bị các tài liệu liên quan tới đề mục này, rồi phát cho học sinh bảo chúng chịu khó ôn tập.” Vậy là đồng nghiệp của tôi đi chuẩn bị kỹ lưỡng, về sau, trong đề thi đại học của tỉnh Sơn Đông năm 2010 phần kiểm tra kiến thức cơ bản thật sự có chủ đề này, và chiếm hai điểm. Năm đó, khoa của chúng tôi đạt thành tích thi đại học vượt xa trường bạn, hơn nữa lớp tôi phụ trách có số học sinh đạt điểm cao môn kiến thức cơ bản nhiều nhất. Khi đó các đồng nghiệp trong phòng của chúng tôi đều biết về sự việc này, trong các học sinh cũng có em biết.

Những giấc mơ có thể nhìn trước tương lai vẫn thường xảy ra với tôi ngay cả cho đến nay, chỉ là có năm nhiều năm ít. Ví như khoảng thời gian năm 2004, tôi phát hiện ra có mấy chục sự việc đã biết trước trong mơ rồi, hơn nữa đều là những việc nói chuyện với những người không quen biết ở những nơi xa lạ. Khoảng thời gian kể từ khi mơ cho đến khi sự việc xảy ra cũng khác nhau, có việc được mơ trước nửa năm, có việc mơ trước hai, ba tháng, có sự việc lại mơ trước chỉ mấy hôm. Con người, hoàn cảnh cũng như nội dung mà chúng tôi nói chuyện trong đời thực không sai chút nào so với trong mơ. Về sau tôi thường hay nói về chủ đề này với các đồng nghiệp, bạn bè cho đến cả học sinh của mình, mọi người cũng đều công nhận rằng thường hay có giấc mơ như thế xuất hiện.

Vậy chúng ta hãy thử nghĩ xem đó có thể nói là sự việc ngẫu nhiên chăng? Phải chăng rất nhiều bí ẩn của sinh mệnh và vũ trụ chứa đựng bên trong những giấc mơ đó?

xem tiếp Phần 2

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2015/04/21/144901.说梦(1):概论.html