Ông ấy không bao giờ dám gọi thẳng tên Sư phụ nữa

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục

[ChanhKien.org] Tôi từng nghe một đồng tu kể câu chuyện thế này. Khi anh bị giam giữ phi pháp trong trại tạm giam, anh đã giảng chân tướng cho mọi người ở đó, rất nhiều người sau khi hiểu rõ chân tướng đã làm tam thoái. Trong đó có một người ở độ tuổi trung niên, nơi ông ở cách nhà của đồng tu này mấy chục dặm, ông ấy bị bắt giam do bị vu khống tội lừa gạt, nghe đồng tu nói rằng không phải người này chiếm đoạt tiền của người ta, mà vì để giải quyết sự việc cho người ta, đã tiêu hết tiền nhưng việc vẫn không thành, người này bản chất rất thiện lương, đã từng quan tâm đến Phật giáo và tu luyện, lại còn biết gieo quẻ bói toán, thường hay đọc một số sách cổ. Khi đồng tu giảng chân tướng cho mọi người, ông ấy cũng lắng nghe, đôi khi cũng hỏi một số sự việc. Một lần nọ, đồng tu kể một câu chuyện rằng có mấy người công nhân đang tu sửa lại một ngôi chùa, lúc bắt đầu đào móng thì đào được một cái hộp trong lăng mộ, trong hộp có thứ gì đó được bọc kín bằng nhiều lớp, khi mở hết lớp cuối cùng thì chỉ có một mảnh giấy, mấy người đó không sao giải được ý nghĩa trên đó, liền mang lên núi hỏi một vị hòa thượng già đã tu luyện nhiều năm. Vị lão tăng đọc xong mảnh giấy lập tức quỳ lạy xuống đất, luôn miệng nói: “Phật Tổ ơi, cuối cùng Ngài đã đến rồi!” (Ghi chú: Nhiều năm nay trong Phật giáo có lưu truyền một câu chuyện rằng đến thời mạt kiếp, Phật Tổ Di Lặc sẽ hạ thế truyền Pháp độ nhân), thì ra những điều được viết trên mảnh giấy là bốn câu thơ:

四季无首夏秋冬,

三峡翻腾二八重。

真善之士有忍心,

视而不见猴年终。

Hán Việt:

Tứ quý vô thủ hạ thu đông,

Tam hiệp phiên đằng nhị bát trùng.

Chân thiện chi sĩ hữu nhẫn tâm,

Thị nhi bất kiến hầu niên chung.

Tạm dịch:

Bốn mùa không đầu hạ thu đông,

Ba sông cuồn cuộn nhị bát trùng.

Kẻ sỹ chân thiện có tâm nhẫn,

Nhìn mà không thấy cuối năm Khỉ.

Không cần giải thích cũng biết đây là một bài thơ dự ngôn, bốn câu thơ đại biểu cho bốn chữ. Câu đầu tiên là chữ ‘Lý’ (李)[1], câu thứ hai là chữ ‘Hồng’ (洪), câu thứ ba là chữ ‘Chí’ (志), câu cuối cùng là chữ ‘Thần’ (神). Tất nhiên, bài thơ này còn có ngụ ý thâm sâu hơn chờ đọc giả nghiên cứu tiếp. Chuyện kể rằng khi vị đồng tu kể xong câu chuyện và giải thích ý nghĩa cho mọi người xong, một số người tin, nhưng cũng có người bán tín bán nghi, người đàn ông trung niên kể trên nghe xong thì vô cùng tin tưởng. Sau rồi người đó kéo vị đồng tu sang một bên và nói với anh ấy rằng: Tôi hoàn toàn tin những gì cậu nói, trước đây tôi cũng từng đọc được một bài thơ trong sách cổ, có vẻ như là dự ngôn, tôi rất say mê những thứ này, nhưng lại không biết nó có ý nghĩa gì nên đành học thuộc nó, cậu phân tích giúp tôi xem ý nghĩa của nó là gì nhé. Bài thơ thế này:

弃武求文桃花下,

世人不知洪水发。

十一条心我做主,

割心济世直入八。

春夏秋冬四季好,

太平盛世人人夸,

如有世人能参悟,

三山诗云身自拔。

Hán Việt:

Khí võ cầu văn đào hoa hạ,

Thế nhân bất tri hồng thủy phát,

Thập nhất điều tâm ngã tố chủ.

Cát tâm tế thế trực nhập bát.

Xuân hạ thu đông tứ quý hảo,

Thái bình thịnh thế nhân nhân khoa,

Như hữu thế nhân năng tham ngộ,

Tam sơn thi vân thân tự bạt .

Tạm dịch:

Bỏ võ cầu văn dưới đào hoa,

Người đời không hay hồng thủy đến,

Mười một con tim ta làm chủ,

Cắt lòng tế thế tám thẳng vào.

Xuân hạ thu đông bốn mùa lành,

Thái bình thịnh thế người người khen

Nếu có người đời tham ngộ được,

Ba chữ chân ngôn[2] tự cứu mình.

Đồng tu nghe xong, trầm tư suy nghĩ một lúc rồi đưa ra lý giải của bản thân mình như sau. “Cầu văn” (求文) là chữ “cứu” (救)[3], “đào hoa hạ” (桃花下) là chữ “ lý” (李) , câu thứ hai khỏi phải nói, rõ ràng là chữ ‘hồng’ (洪), câu thứ ba ‘thập nhất điều tâm’ (十一条心) là chữ ‘chí’ (志), hàng thứ tư ‘cát tâm’ (割心) là chữ ‘nhẫn’ (忍), ‘tế thế’ (济世) nghĩa là ‘cứu nhân độ thế’, tức là ‘thiện’ (善), ‘trực nhập bát’ (直入八) là chữ ‘chân’ (真). Gộp lại bốn câu trên chính là “Cứu Thế Chủ, Lý Hồng Chí, Chân Thiện Nhẫn.” Những gì được viết tiếp ở hai câu dưới là cảnh tượng thịnh thế của nhân gian vào thời kỳ Pháp Chính Nhân Gian hoặc Đại Pháp toàn thịnh, hai câu cuối cùng nói về việc những ai ngộ ra điều này, tiếp nhận chân tướng Đại Pháp, hiểu được “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”, thoái xuất khỏi các tổ chức liên đới của tà đảng Trung Cộng, thì có thể được cứu độ thoát khỏi tình cảnh nguy hiểm này.

Trước đây, ông ấy cũng từng nghe nói về Pháp Luân Công và biết tên của Sư phụ, tuy nhiên ông chỉ coi đó là công pháp bình thường nên thường tùy tiện gọi tên của Sư phụ mà không chút kiêng nể gì. Sau khi được đồng tu giải thích một cách thấu đáo về bài thơ mà chính ông đọc trong sách cổ, khỏi phải nói ông ấy chấn động đến mức nào, sau đó ông ấy không còn dám gọi thẳng tên của Sư phụ nữa, đều gọi một cách tôn kính là “Lý đại sư”. Mỗi lần nhắc lại chuyện này, đồng tu đều cảm động sâu sắc trước sự kính trọng của con người thế gian dành cho Sư phụ, anh cũng cảm thấy vui mừng cho những người thế gian đã được đắc cứu. Đồng tu ấy không nói rõ niên đại và tên cuốn sách cổ dự ngôn đó (có thể lúc đó đã không hỏi tên và niên đại của cuốn sách), nhưng cuốn sách cũng phải có niên đại trên mấy trăm năm rồi, anh ấy nói sau này có dịp nhất định sẽ đến nhà người này chụp hình lại cuốn cổ thư đó để quý đọc giả xem.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2012/10/25/113783.他再也不敢叫师父名字了.html

 

Chú thích:

[1] Về ý nghĩa chiết tự của mỗi chữ, vui lòng đọc trong bài Trong dự ngôn có chân tướng, bạn có tin không?

[2] Tam sơn thi vân: ba núi thi vân, tạm thay bằng “ba chữ chân ngôn” vậy.

[3] ‘Cầu’ (求) ghép với ‘văn’ (文) tạo thành chữ ‘cứu’ (救).

– ‘Đào’ là tên một loại cây, cũng thuộc bộ ‘mộc’ (木). ‘Hoa’ là mầm giống cho thế hệ sau của cây, trong tự điển gọi là ‘tử’ (子). ‘Hạ’ (下) nghĩa là ‘ở dưới’. Có thể tạm hiểu ‘đào hoa hạ’ là chữ ‘tử’ đặt dưới chữ ‘mộc’, tức là ‘lý’ (李).

– Xếp ‘thập’ (十), ‘nhất’ (一), và ‘tâm’ (心) theo chiều dọc sẽ được chữ ‘chí’ (志).

– ‘Cát’ (割) nghĩa là ‘cắt’, thuộc bộ ‘đao’ (刀), hình dung ra con dao đặt trên chữ ‘tâm’ (心) tạo thành chữ ‘nhẫn’ (忍).

– ‘Trực’ (直) ghép với  ‘bát’ (八) thành chữ ‘chân’ (真).