Đức hạnh phụ nữ thời xưa

Tác giả: Điền Đan Đan

[Chanhkien.org] Tôi đã dành nhiều thời gian đọc các kinh điển Nho giáo và các bình luận về Nho giáo, và thậm chí 24 tác phẩm sử học kinh điển. Tôi sớm có nhận thức rằng con người hiện đại biết rất ít về Trung Quốc trước triều Tống. Một chủ đề thú vị khác mà tôi gặp được trong quá trình nghiên cứu đó là những đức tính được đặt ra cho phụ nữ trong suốt quá trình lịch sử.

Có thể nói triều Tống đã tạo bước ngoặt về định nghĩa “đức hạnh phụ nữ” trong lịch sử Trung Hoa. Cần phải thanh minh cho hầu hết phụ nữ trước triều Tống rằng họ có đóng góp to lớn cho quốc gia và dân tộc, có tài trí kiệt xuất và hành động dũng cảm, đủ khôn ngoan để phân định đúng sai về đạo đức trong thời kỳ trụy lạc, hoặc bởi vì họ hết mực hy sinh cho cha mẹ và chồng con.

Sau triều Tống, chuẩn mực cho một người phụ nữ đức hạnh là phải giữ gìn tiết hạnh trong các hoàn cảnh thử thách. Đối với những phụ nữ thủ tiết, nhiều người trong số họ tự kiềm chế không tái hôn cho đến khi đất nước không còn bị tấn công bởi các bộ tộc man di ở phương Bắc, hay cho đến khi họ đã trả được thù cho kẻ đã sát hại chồng của họ. Một số phụ nữ không thật sự hứng thú với việc tái hôn, hoặc là vì họ không còn ham muốn quan hệ hôn nhân, hoặc là vì họ quá thương nhớ người chồng quá cố của mình. [Sở dĩ] đức hạnh của phụ nữ một lần nữa bị khoác lên một tầng ý nghĩa mới kể từ triều Tống là do hậu quả bi thảm từ chủ trương cực đoan “cấm dục” của Chu Hy gây ra. Nói cách khác, phụ nữ trước triều Tống có quyền tự đưa ra quyết định của bản thân và hoàn toàn không bị tác động bởi dư luận xã hội. Không ai có thể ép buộc một người phụ nữ phải tuân theo bất kỳ định nghĩa rập khuôn nào.

Ngoài ra còn có một quan niệm sai lầm rằng những hành động bảo vệ trinh tiết cực đoan đã từng được cổ xúy rộng rãi. Trên thực tế nhiều nhà sử học thời cổ đại đã không ghi chép lại nhiều hành vi như vậy bởi vì họ không muốn đề cao hành động đó. Ví dụ, khi các nhà sử học được hỏi về những quả phụ từ chối tái hôn, thông thường câu trả lời của họ sẽ mô tả bằng những từ ngữ như “cách cư xử kỳ cục”, “thật đáng thương” hoặc “tôi rất lấy làm tiếc cho quyết định của bà”, v.v. Một số quả phụ vì còn nhiều tình cảm hoặc vì lời thệ ước với người chồng quá cố nên đã tự hủy hoại dung nhan của mình để tránh một cuộc hôn nhân thứ hai. Những phụ nữ chọn phương pháp này thường được coi là thiếu lý trí và thiếu tự trọng. Theo lẽ tự nhiên, không có nhà sử học sáng suốt nào muốn cổ vũ cho hành vi như thế, bởi vì hành động loại này không thể nào xuất phát từ đức hạnh được.

Khi nhắc đến đức hạnh của một người phụ nữ, “nữ tính là gốc của tình thương; giữ gìn trinh tiết bằng cả mạng sống chính là tài sản của nghĩa khí” (trích từ tiểu sử thứ 79 trong số những phụ nữ đức hạnh trong sách Bắc Sử, một cuốn sách lịch sử Trung Quốc). Nói cách khác, đức hạnh của một người phụ nữ xuất phát từ tình thương và nghĩa khí. Tự hủy hoại dung nhan khó có thể gọi là hành động sáng suốt được. Đây là những hành vi cực đoan và khác xa với giáo lý của Nho giáo.

Cho nên một số người có thể kết luận rằng đức hạnh chân chính của phụ nữ được phản ánh qua mức độ tình thương và nhân nghĩa. Không hẳn thế. Khi một người phụ nữ không còn cách nào khác để bảo vệ tiết hạnh của mình ngoài hy sinh mạng sống, đó là dấu hiệu của một xã hội suy đồi. Khi tình thương và nhân nghĩa được ca tụng là dấu hiệu cho thấy những đức tính này đã trở nên hiếm hoi trong một xã hội có đạo đức tuột dốc. Dựa theo nguyên lý tương sinh tương khắc, sự ủng hộ cho tình thương và nhân nghĩa thật ra lại cảnh báo cho sự thiếu tình thương và nhân nghĩa. Giống như hai mặt của một đồng xu, nếu mọi người đều coi trọng đạo đức và thăng hoa tâm tính của mình thì tiêu chuẩn đánh giá cho tình thương và chính nghĩa cũng sẽ được nâng lên.

Tôi muốn chia sẻ ngắn gọn hiểu biết của mình về chủ đề đức hạnh của phụ nữ bởi vì tôi thấy rằng đây là một trong những chướng ngại cho việc giảng chân tướng. Con người hiện đại có thể yêu thích một số điều của xã hội cổ đại, nhưng lại cho rằng một số việc xảy ra trong thời xưa là trái ngược. Quan niệm của chúng ta về những gì thật sự xảy ra trong thời cổ đại là dựa trên những hiểu biết sai lầm đã bị bóp méo, do đó chúng ta đã bị cách ly với sự thật. Lối suy nghĩ về thời cổ đại như vậy đã trở thành chướng ngại cho con người ngày nay hiểu về quá khứ chân thật của Trung Quốc. Hơn nữa, vì hầu hết chúng ta không phải là các nhà sử học chuyên nghiệp, chúng ta biết rất ít về thời cổ đại. Bên cạnh đó, chúng ta đã từng là những người thường giống như họ.

Xem thêm:

>> Văn hóa truyền thống: Cung kính nhu thuận là lễ nghĩa đứng đầu của phụ nữ

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/22480
http://pureinsight.org/node/1784