Dự ngôn là khoa học

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[Chanhkien.org] Điều được gọi là “khoa học”, nhận thức phổ biến nhất hiện nay là lấy đối tượng nhất định làm phạm vi nghiên cứu, rồi dựa vào thực nghiệm và lô-gíc mà đưa ra suy luận, sao cho thống nhất đúng với quy luật khách quan và chân lý. Khoa học được phân biệt thành nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng chỉ tất cả những tri thức có tổ chức và có sự thống nhất, theo đó khoa học được phân thành 4 ngành lớn gồm khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng, khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Nghĩa hẹp thì được dùng để chuyên chỉ về khoa học tư nhiên.

Dựa vào lượng lớn dữ liệu khoa học thực nghiệm, các nhà khoa học đưa ra các mô hình vật lý khác nhau đối với một đối tượng được nghiên cứu nào đó, sau đó dùng lý luận mà nhân loại đã biết, rồi lại dùng các phương pháp số học để đưa ra một số phương trình, cuối cùng viết thành ngôn ngữ máy tính để máy móc dựa vào điều kiện biên nhất định mà tìm cách giải quyết, từ đó có được các tham số của bài toán. Điều gọi là dự báo thời tiết, dự báo chứng khoán phố Wall, trong thực nghiệm có rất nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật khớp đường cong, mô hình máy tính mô phỏng phản ứng động lực học hóa học, phương pháp Monte Carlo, phương pháp ab initio của hóa học lượng tử, v.v. dùng để dự đoán một số sự kiện, hoặc tính chất, hoặc nghiệm chứng một số sự kiện đã từng phát sinh trong quá khứ. Đương nhiên các mô hình này đều có các hạn chế nhất định bởi các điều kiện biên, vượt qua ranh giới này mà đưa ra kết luận thì lại là sai.

Hiển nhiên, độ rộng và phạm vi của loại dự đoán khoa học này là có hạn. Đối với khoa học nghiên cứu thân thể người, khoa học nghiên cứu cuộc sống, thậm chí nghiên cứu sự phát triển của toàn xã hội, các dự đoán hoặc dự ngôn về quy luật vận hành của toàn vũ trụ, thì khoa học hiện nay không cách nào làm được.

Tuy nhiên, “Khoa học của Trung Quốc cổ đại khác với khoa học hiện nay mà chúng ta học từ phương tây, nó đi theo một con đường khác, có thể đưa đến trạng thái khác. Do đó không thể dùng phương pháp nhận thức của chúng ta hiện nay để nhận thức khoa học kỹ thuật của Trung Quốc cổ đại, bởi vì khoa học Trung Quốc cổ đại là nhắm thẳng vào [thân] thể người, sinh mệnh, vũ trụ; nhắm trực tiếp vào những điều ấy mà nghiên cứu, do đó [nó] đi theo một con đường khác.” (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ bảy) [1]

“Các loại thuật số như Chu Dịch, Bát Quái, Toán Quái của Trung Quốc cổ đại là căn cứ vào các không gian khác nhau, căn cứ vào sự sai biệt về thời gian mà tổng kết ra một bộ phương pháp để suy đoán một số sự việc, cũng chính là nói: Nắm vững được bao nhiêu sự sai biệt về thời gian của các không gian khác nhau (không chỉ là một không gian) và thời gian của không gian chúng ta ở thì mới suy đoán ra được kết quả, nếu không là không thể suy đoán ra được. Khoa học hiện đại ngày nay có thể đạt được điểm này hay không? Nó có thể nắm chắc được các không gian và thời gian khác nhau không? Đương nhiên là không, mặc dù thuật số chỉ là một loại kỹ thuật (cũng có thể nói nó là thứ thuật loại, cũng có thể nói nó là một loại khoa học kỹ thuật cao), bởi vì nó nhắm thẳng trực tiếp vào nhân thể, sinh mệnh, và vũ trụ mà nghiên cứu, đột phá các không gian. Nó chẳng phải là khoa học kỹ thuật cao hay sao?” [2] Cho nên căn cứ vào các con số về ngày giờ sinh của một người (ngày tháng năm sinh được tính theo âm lịch, gọi là “sinh thần bát tự”) v.v. dùng Chu Dịch có thể suy đoán được một số sự kiện xảy ra trong quá khứ hay tương lai của người đó. Lại nói xem tướng tay tướng mặt để dự đoán cát hung trong quá khứ hay tương lai của một đời người. Cận tâm lý học (hoặc còn được gọi là phụ tâm lý học), là lấy các lời tiên tri và khả năng ngoại cảm cho đến các hiện tượng siêu nhiên làm đối tượng khoa học để nghiên cứu. Xem bói dựa vào hình dạng của xương là một loại thuật xem tướng. Dùng tay sờ vào bộ khung xương trên người là có thể đoán biết quá khứ của một người, dự đoán họa phúc trong tương lai như thế nào. Tướng thuật là kỹ thuật quan sát ngũ quan của con người (các cơ quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác), trạng thái cơ thể và dung mạo để dự đoán vận mệnh, lành, dữ, họa, phúc trong tương lai. Đồ sấm (dự ngôn dùng hình vẽ báo trước việc lành dữ sẽ xảy ra), chẳng hạn Hà Đồ, bùa mệnh, v.v. và các cuốn sách có liên quan là bằng chứng nói về thọ mệnh của các vương giả. Chúng được lưu hành vào thời Đông Hán, có nhiều lời tiên tri hoặc những từ mang ẩn ý, chẳng hạn như “mão kim đao, tại chẩn bắc, tự hòa tử, thiên hạ phục” là những lời dự ngôn rằng Lưu Quý lên làm Thiên Tử. Những điều này thì khoa học thực chứng ngày nay không cách nào làm được.

Vấn đề lớn đó là những dự ngôn tinh vi chính xác lại đến từ số ít những người đặc thù hoặc người tu luyện, họ đã có được công năng túc mệnh thông.

Sao lại gọi là ‘túc mệnh thông’? Ấy là có thể biết được tương lai và quá khứ của cá nhân; lớn nữa thì có thể biết được sự thịnh suy của xã hội; còn lớn hơn nữa thì có thể thấy được những quy luật biến hoá của toàn thiên thể; đó chính là ‘công năng túc mệnh thông’. Vì vật chất chiểu theo quy luật nhất định mà vận động; trong không gian đặc thù, bất kể vật thể nào đều có hình thức tồn tại trong rất nhiều không gian khác. [Tôi] nói một thí dụ: một khi thân thể người ta chuyển động, [thì] các tế bào trong thân thể người đều động theo; hơn nữa ở vi quan tất cả các phân tử, proton, điện tử, cho đến nhỏ hơn mãi nữa tất cả thành phần đều vận động theo. Nhưng chúng có hình thức tồn tại độc lập; các hình thức tồn tại của thân thể trong các không gian khác cũng đều trải qua một loại biến đổi.

Chẳng phải chúng ta giảng vật chất là bất diệt? Trong một không gian đặc định, người ta làm xong một việc gì, [ví dụ] người ta huơ tay làm một việc gì, tất cả đều là tồn tại vật chất; làm việc gì thì cũng lưu lại một hình tượng và tín tức. Tại không gian khác, nó là bất diệt, vĩnh viễn tồn tại ở đó, người có công năng nhìn một cái là thấy được cảnh tượng tồn tại trong quá khứ, nên hiểu biết liền. Tương lai khi chư vị có công năng túc mệnh thông rồi, chư vị nhìn thử về hình thức mà chúng ta hôm nay giảng bài tại đây, [sẽ thấy] nó vẫn còn tồn tại, đã đồng thời tồn tại ở nơi ấy. Khi một cá nhân giáng sinh, trong một không gian đặc thù không có khái niệm thời gian, cuộc đời vị ấy đã đồng thời tồn tại ở đó rồi; có [những người] không chỉ là một đời [đồng thời tồn tại ở đó].

Hình thức công năng túc mệnh thông là ở bộ phận trước trán của con người có một cái như màn huỳnh quang nhỏ của TV. Có người thì [nó] ở bộ phận trước trán; có người thì ở cách trước trán một cự ly rất gần; có người thì ở bên trong trán. Có người nhắm mắt [mới] có thể nhìn thấy; còn trường hợp nó hoạt [động] rất mạnh, thì có người mở mắt [cũng] có thể nhìn thấy. Nhưng người khác nhìn không thấy, nó là thứ ở bên trong phạm vi của trường không gian người ấy. Tức là, chủng công năng này xuất hiện rồi, thì còn một chủng công năng nữa [có tác dụng] như tải thể, [nó] lấy cảnh tượng nhìn thấy ở không gian khác phản ánh vào đây, do vậy có thể nhìn thấy được trong thiên mục này. Nhìn thấy tương lai một cá nhân, nhìn thấy quá khứ một cá nhân, nhìn thấy [một cách] chuẩn xác phi thường. Toán quái dẫu rõ ràng đến đâu, thì những việc nhỏ, chi tiết không suy tính ra được; nhưng vị ấy {người có công năng túc mệnh thông} có thể thấy rõ ràng phi thường, cả niên đại cũng có thể thấy được. Những chi tiết của biến đổi đều có thể thấy, bởi vì điều vị ấy thấy chính là phản ánh chân thực của người hoặc vật ở các không gian khác.

(Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ hai, mục “Công năng túc mệnh thông”) [1]

Dự ngôn «Thôi Bối Đồ» tương đối nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, tương truyền là cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang cùng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán của triều Đường, dự ngôn về sự thịnh suy biến đổi của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc. Cuốn sách bao gồm 60 bức tranh, bên cạnh mỗi bức tranh lại có một bài thơ, đến bức tranh thứ 60 thì dừng lại ở cảnh Viên Thiên Cang đẩy lưng Lý Thuần Phong, cho nên gọi là “Thôi Bối Đồ” (đồ hình đẩy lưng). «Thiêu Bính Ca» của Lưu Bá Ôn là một loại ca dao dự ngôn được lưu truyền trong dân gian. Tương truyền Minh Thái Tổ đang ăn bánh nướng thì Lưu Cơ (Lưu Bá Ôn) diện kiến, Minh Thái Tổ hỏi Lưu Cơ về sự việc tương lai, Lưu Cơ làm bài hát để đối đáp lại, cho nên mới gọi là “Thiêu Bính Ca” (bài ca bánh nướng). «Thiền Sư Thi» là của cao tăng Hoàng Bá thời Đường sáng tác, cùng với “Thôi Bối Đồ” của Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong trong những năm Trinh Quán, và “Thiêu Bính Ca” của Lưu Bá Ôn triều Minh trở thành “tam đại dự ngôn” của Trung Quốc. Bộ Hư Đại sư là đại tướng của triều Tùy, sau khi chứng kiến cảnh hủ bại loạn ly thời Tùy mạt, ông đã xuất gia lánh nạn tại núi Thiên Đài. «Bộ Hư Đại sư dự ngôn thi» đã dự ngôn về cái chết của Hoàng đế Quang Tự, sự diệt vong của triều đại nhà Thanh, việc Tôn Văn (Tôn Trung Sơn) tổ chức đảng cách mạng ở nước ngoài, cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, Bắc phạt thắng lợi, cho đến việc tiết lộ về Pháp lý của vũ trụ Chân-Thiện-Nhẫn và sự hồng truyền của Pháp Luân Đại Pháp [3]. Từ những sự kiện đã phát sinh trong lịch sử mà xét thì mới thấy các dự ngôn chính xác như thế nào.

Ngoài các dự ngôn nổi tiếng của Trung Quốc ra, ở Pháp còn có tiên tri của Nostradamus vào thế kỷ 16. Các bài thơ tiên tri của ông tập trung trong cuốn «Các Thế Kỷ» (Les-Centuries), bao gồm 942 bài thơ tứ tuyệt (quatrain) chứa đầy những dự đoán thần bí về tương lai của nhân loại. Tính chính xác trong đó đã thuyết phục được con người ngày nay [4]. Chẳng hạn lời tiên tri về sự kiện ngày 4 tháng 6 năm 1989:

Nguyên văn tiếng Pháp:

Deuant le peuple sang sera respandu,
Que du haut ciel ne viendra eslongner :
Mais d’vn long-temps ne sera entendu,
L’esprit d’vn seul le viendra tesmoigner.

Tiếng Anh:

Before the people blood will be shed,
Only from the high heavens will it come far:
But for a long time of one nothing will be heard,
The spirit of a lone one will come to bear witness against it.

Tiếng Việt:

Ngay trước mặt nhân dân, máu sẽ chảy,
Chỉ từ trên Thiên Đường nơi cao, nó sẽ đi xa:
Nhưng trong một thời gian dài sẽ không nghe thấy gì,
Tinh thần của một người cô độc sẽ làm bằng chứng về nó.

(Các Thế Kỷ IV, Khổ 49)

Trải qua sự kiện ngày 4 tháng 6 năm 1989, hoặc những cảnh chiếu xem được trên truyền hình ở nước ngoài lúc đó, dưới sự trấn áp và bưng bít của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ở Trung Quốc “trong một thời gian dài không thể nghe được những tin tức gì về sự kiện này”. Tuy nhiên, tinh thần dũng cảm dám một mình chặn xe tăng của Vương Duy Lâm ngay trước cổng Thiên An Môn sẽ vĩnh viễn làm bằng chứng cho giai đoạn lịch sử này. Ở đây, “Các Thế Kỷ IV, Khổ 49” ngụ ý là năm 1989.

Các dự ngôn nổi tiếng khác cũng có khá nhiều, chẳng hạn tiên tri của người Hopi, tiên tri của người Maya, «Khải Huyền» của Thánh Kinh, «Cách Am Di Lục» của Triều Tiên, v.v. Các dự ngôn này đều dự đoán tương đối chính xác các sự việc trên thế giới phát sinh ngày nay.

Có người đời trước đã tu hành, do tu không tốt, các chủng tâm chấp trước chưa vứt bỏ, không tu thành, tích được một chút phúc phận. Chuyển sinh lần nữa sinh thành người rồi thông thường có mang “công năng”, thiên mục ở tầng thứ rất thấp có thể thấy một chút tình huống không gian khác,…” (Chuyển Pháp Luân – quyển 2, bài “Nhân loại thời mạt kiếp”) [5]

Từ các phân tích ở trên, có thể nói dự ngôn là khoa học, hơn nữa là khoa học siêu thường. Tuy vậy, năng lực dự đoán lớn nhỏ, khả năng đọc hiểu dự ngôn, cùng với tiêu chuẩn đạo đức của con người, căn cơ của người ta, tầng thứ của người tu luyện, v.v. đều có quan hệ mật thiết với nhau.

Tài liệu tham khảo:

[1] «Chuyển Pháp Luân», tác giả: Sư phụ Lý Hồng Chí, xuất bản năm 1994

[2] “Nhận thức của tôi về Chính Pháp (phần 2) – Lại nói về nước thuốc màu vàng”, tác giả: đệ tử Đại Pháp, đăng trên Chánh Kiến Net (tiếng Trung) ngày 22 tháng 2 năm 2001

[3] “Cảm xúc sau khi đọc dự ngôn của Bộ Hư Đại sư”, đăng trên Chánh Kiến Net (tiếng Trung) ngày 18 tháng 12 năm 2000

[4] “Dự ngôn của Nostradamus – Những ứng nghiệm đến kinh người trong lịch sử”, đăng trên Chánh Kiến Net (tiếng Trung) ngày 20 tháng 11 năm 2000

[5] «Chuyển Pháp Luân (quyển 2)», tác giả: Sư phụ Lý Hồng Chí, xuất bản năm 1995

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/9137