Thành ngữ điển cố: “Quăng roi chặn dòng”

Tác giả: Tổ biên tập Văn hóa Thần truyền Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Câu chuyện

Trong những năm Thái Nguyên thời Hiếu Vũ Đế thuộc Đông Tấn, sau khi Phù Kiên thống nhất lưu vực phía Bắc sông Hoàng Hà, đã tạo nên cục diện đối lập với Đông Tấn ở Phía Nam. Vì vậy Phù Kiên có mưu đồ triệu tập trăm vạn đại quân để một lần tiến công tiêu diệt Đông Tấn, thống nhất toàn bộ Trung Quốc.

Lần tiến công này không được các đại thần tán thành, đại thần Thạch Việt trong dòng họ của ông càng khuyên can: “Năm nay xem tinh tượng có điềm báo không thích hợp xuôi Nam đánh Tấn. Huống hồ bản đồ nước Tấn có sông Trường Giang hiểm yếu, quân vương lại được lòng dân. Chi bằng chúng ta tạm thời cố thủ, yên định lòng dân, sau đó tùy thời cơ tiến đánh Tấn.” Phù Kiên lại nói: “Chuyện xem sao không thể tin hoàn toàn được. Sông Trường Giang dẫu hiểm yếu, thì Ngô vương Phù Sai thời Xuân Thu cùng Ngô chủ Tôn Hạo thời Tam Quốc cuối cùng cũng bị diệt vong. Nay ta thống lĩnh trăm vạn đại quân, chỉ cần ra lệnh binh lính quăng roi vào sông Trường Giang, cũng đủ ngăn dòng nước chảy, việc gì phải sợ?”

Vì vậy, Phù Kiên bất chấp phản đối của các đại thần, ồ ạt tiến đánh nước Tấn. Nhưng khi cùng Đông Tấn giao chiến trên sông Phì Hà, bị quân Tấn đánh bại, Tiền Tần từ đó về sau bị diệt vong.

Sau này câu thành ngữ “Quăng roi chặn dòng” (“Đầu tiên đoạn lưu”) được dùng để ví von quân đội đông đúc, sĩ khí mạnh mẽ, thế trận hùng mạnh phi thường.

Chú giải

Phù Kiên: quân vương thành lập nước Tiền Tần (350-394 CN), một nước trong thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc vào cuối thời kỳ nhà Đông Tấn (265-420 CN).

Thảo luận

1- Sau khi Phù Kiên thành lập nước Tiền Tần, Phù Kiên vì mưu đồ thôn tính quốc gia nào mà xảy ra trận chiến trên sông Phì Hà?

2- Các đại thần lúc đó cực lực phản đối đánh nước Tấn, vì sao Phù Kiên vẫn nhất mực giữ ý kiến của mình?

3- Phù Kiên tự cao tự đại, là một trong những nguyên nhân khiến Tiền Tần diệt vong. Và đây là câu hỏi dành cho mỗi chúng ta: Những lúc có người góp ý, làm sao để chúng ta có thể tiếp nhận ý kiến của họ, buông bỏ ý kiến chủ quan của mình, thật lòng vì việc chung mà cân nhắc?

Luyện tập đặt câu

Ví dụ 1: Bên ta binh nhiều tướng mạnh, tuy có khí thế quăng roi chặn dòng, nhưng vẫn không thể khinh địch!

Ví dụ 2: Ban tổ chức tổ chức cuộc thi ma-ra-tông có mười nghìn người tham gia, đưa mắt nhìn lại, thấy đội ngũ đồ sộ, có thể dùng ‘quăng roi chặn dòng’ để hình dung.

Thành ngữ tương tự

“Binh đa tướng quảng” (Binh nhiều tướng mạnh), “Tinh kỳ tế không” (Cờ xí rợp trời), “Trục lô thiên lý” (Tàu bè ngàn dặm), “Bách vạn hùng sư” (Trăm vạn hùng binh).

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/56471