Vài cảm nghĩ của tôi trong suốt kỳ Pháp hội New York 2013



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp ở Đài Loan

[Chanhkien.org] Thời gian thấm thoát thoi đưa. Tôi có cảm tưởng như Pháp hội New York 2012 chỉ vừa kết thúc thì Pháp hội năm nay đã đến. Pháp hội New York 2013 là Pháp hội lớn nhất, với hơn 8.000 học viên tham dự. Thật may mắn là tôi được tham dự cùng với các học viên trên khắp thế giới. Nhân đây tôi xin viết lại vài hồi tưởng từ chuyến đi tới New York để chia sẻ cùng các bạn đồng tu.

1. Khởi hành

Sáng ngày 16 tháng 5, một vài nhóm học viên từ Đài Loan bay cùng chuyến bay từ Đài Bắc tới Tokyo và sau đó chia ra thành nhiều chuyến bay khác tới New York. Vài người thì bay liên tục còn những người khác phải đổi chuyến. Chuyến đi của nhóm chúng tôi không biết sao lại vất vả hơn với ba lần đổi máy bay. Mất khoảng 30 tiếng từ lúc tôi rời khỏi nhà ở Đài Loan buổi sáng và đặt chân tới phòng khách sạn ở New York. Thật là khó khăn.

Tôi từng trải qua một chuyến đi tương tự 2 năm trước nên đã chuẩn bị sẵn cho chuyến đi mệt mỏi này. Nhưng dù sao đây vẫn là lần đầu tiên của các thành viên khác trong nhóm phải đổi chuyến nhiều lần trong một chuyến bay dài; nhưng họ không hề phàn nàn gì, điều này cho thấy mỗi người đều có tâm tính cao đáng ngưỡng mộ.

Khi nhóm chúng tôi đến Portland, Oregon, tôi muốn băng nhanh qua cửa hải quan càng sớm càng tốt để vào nhà vệ sinh nên đã tăng tốc vượt qua nhóm của mình. Nhưng cuối cùng tôi lại là người cuối cùng của nhóm băng qua được cửa hải quan vì nhân viên cửa khẩu ở đây hỏi rất nhiều câu và mất nhiều thời gian để kiểm tra giấy tờ.

Nhân viên hải quan trông như một bà lão thân thiện hỏi tôi mục đích đến Mỹ để làm gì. Tôi trả lời rằng: “Tôi là học viên Pháp Luân Công và tôi tới để tham dự Pháp hội giao lưu chia sẻ ở New York.” sau đó tôi đưa bà ấy thư mời của Phật học hội. Bà ấy đọc rất kỹ từ đầu đến cuối; bà ấy là nhân viên hải quan Mỹ đầu tiên mà tôi gặp đọc thư mời kỹ càng như vậy. Thông qua thái độ và câu hỏi, bà ấy chắc hẳn biết rằng Pháp Luân Công đang bị bức hại ở trung Quốc nên trông rất chia buồn và cảm thông.

Khi tôi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, các thành viên trong nhóm xếp hàng khác phía sau tôi đã nhập cảnh xong nên thành ra tôi là người cuối. Kỳ lạ là sau khi nhập cảnh, ý định vào nhà vệ sinh của tôi cũng không còn mạnh mẽ nữa. Có lẽ vì tôi có tiền duyên với bà nhân viên hải quan đó và điều tôi nói với bà là những gì bà đã mong đợi để được nghe.

2. Tham dự tập huấn

Chương trình cho ngày đầu tiên ở New York là tham gia lớp tập huấn của báo Đại Kỷ Nguyên. Dù tôi đã hoàn thành các khoá tập huấn này trước đây, nhưng chỉ sau khi tham dự khoá tập huấn này tôi mới thấy “nói dễ hơn làm” và biết rằng mình đã không làm tốt hạng mục này. Theo lời một bạn đồng tu thuật lại, Sư phụ mong rằng Đại Kỷ Nguyên có thể trở nên chuyên nghiệp như Thần Vận và trở thành kênh thông tấn lớn nhất trên thế giới—chỉ có như vậy thì tờ báo mới có sức ảnh hưởng to lớn hơn và cứu thêm nhiều người hơn.

Sau khoá tập huấn, một học viên Bắc Mỹ chở tôi và các bạn học viên khác trở về khách sạn. Khi băng qua một toà nhà, bạn đồng tu Bắc Mỹ đột nhiên nói: “Tôi không biết toà nhà này dùng để làm gì nữa.” Chúng tôi đã không thực sự biết rằng toà nhà này chính là nơi diễn ra Pháp hội 2 ngày sau đó. Đây quả là sự trùng hợp thú vị.

3. Diễu hành ở Manhattan

Sáng ngày 18 tháng 5, chúng tôi tập trung thành nhóm luyện công ở phố người Hoa Manhattan, và sau đó xếp hàng chuẩn bị diễu hành. Bầu trời lúc đó trông xám xịt nhưng dưới chính niệm mạnh mẽ của tất cả các đệ tử, trời đã không mưa.

Sau khi phát chính niệm buổi trưa, một đám đông khoảng vài ngàn học viên như con rồng to lớn đang bay băng qua những con đường đông đúc của khu phố người Hoa. Tôi đi theo các học viên Đài Loan biểu diễn các bài luyện công, tôi di chuyển tay theo nhạc và thấy khách bộ hành dọc đường chụp ảnh, điều này khiến tôi hơi mắc cỡ một chút. Để giữ hình ảnh cho Đại Pháp, tôi không dám nhìn xung quanh mà cố gắng tập động tác tốt nhất theo nhạc và đồng đều với cả nhóm.

So với năm ngoái, tôi thấy đoàn diễu hành năm nay đông hơn với nhiều người theo dõi hơn và trường năng lượng mạnh mẽ hơn. Không còn những lời lăng mạ hay quấy rối của nhóm người vô lương tâm thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc từng xảy ra vài năm trước. Các đệ tử Đại Pháp đang giữ vai chính trong thời kỳ lịch sử này. Với tiến trình Chính Pháp hiện nay, tà ác sẽ không ngừng bị tiêu diệt và rơi vào cửa vô sinh.

Sau buổi diễu hành, các học viên từ những nơi khác nhau rời đi một cách âm thầm và yên lặng. Chỉ có đệ tử Đại Pháp mới tạo ra được trường thanh thản và tĩnh lặng như vậy với nhiều người và cũng nhờ đó, nhân viên cảnh sát New York đang làm nhiệm vụ hoàn toàn thư giãn và cảm động sâu sắc trước vẻ đẹp của Đại Pháp. Người thường có thể không biết được ý nghĩa của Đại Pháp nhưng buổi trình diễn và biểu hiện của đệ tử Đại Pháp làm họ có ấn tượng với Đại Pháp.

4. Tham dự Pháp hội và cùng đắm mình dưới hào quang của Đại Pháp

Dù có mưa nhỏ sáng ngày diễn ra Pháp hội, điều đó cũng không làm ảnh hưởng trạng thái của tôi khi tham dự Pháp hội. Tôi cho rằng cơn mưa này là những giọt nước mắt của Thần Phật trước sự quy tụ vĩ đại của hơn 8.000 học viên.

Khác với những năm trước có hội trường chính và phụ, Pháp hội năm nay được tổ chức ở một sân vận động với hơn 8.000 người ngồi trong cùng một địa điểm, lấp đầy các ghế như những vị Thần đến từ những thiên thể khác nhau trong vũ trụ cùng quần tụ trong một cuộc họp mặt lớn. Đó thật sự là một cảnh tượng tráng lệ.

Khoảng 9 giờ 30 phút sáng, Sư tôn vĩ đại tới Pháp hội để giảng Pháp. Tràng vỗ tay mừng Sư phụ vang như sấm và kéo dài một hồi lâu. Vì lần này có vài học viên đến từ Trung Quốc tham dự Pháp hội nên Sư phụ ở lại hơn hai tiếng, lâu hơn bình thường, để giảng Pháp và trả lời các câu hỏi.

Sư tôn nhấn mạnh lần nữa về tầm quan trọng của chỉnh thể và sự phối hợp. Đề cập tới Đài truyền hình Tân Đường Nhân, Sư phụ nhắc tới tầm quan trọng của kênh truyền thông cần được đóng vai trò chủ đạo trong các hạng mục hiện tại.

Tôi cảm thấy thực sự rất xấu hổ sau khi nghe giảng Pháp của Sư phụ. Nhìn lại hơn 10 năm tham gia Tân Đường Nhân, tôi nhiều khi thiếu sự hợp tác và cần phải cải thiện.

Kết thúc buổi giảng Pháp, phim tài liệu “Con đường của chúng tôi” (Our Road) của đoàn Thần Vận được trình chiếu. Bộ phim mô tả câu chuyện cảm động về những học viên đến từ các nước khác nhau trong lớp 07 của Học viện Nghệ thuật Phi Thiên đã học tập chăm chỉ và được huấn luyện gian khổ để biến điều không thể thành có thể.

Thời kỳ đầu của Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, các học viên trẻ không có đủ cơ sở vật chất, giáo viên hay ngân sách. Nhưng với niềm tin vào Sư phụ và Pháp, họ với những xuất thân khác nhau trong xã hội đã trở thành tinh hoa của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận ưu tú hạng nhất chỉ trong một thời gian ngắn.

Ví dụ, có một học viên trẻ bị gù lưng. Để có thể đứng thẳng, anh đã đứng dựa vào tường trong một thời gian dài. Một học viên khác có bàn chân phẳng nên không thể chơi thể thao hay khiêu vũ; để có thể đạt chuẩn, anh phải nỗ lực nhiều hơn các học viên trẻ khác. Có một học viên nữ lúc đầu bị các giáo viên ở Học viện Nghệ thuật Phi Thiên từ chối vì vóc dáng cô không phù hợp để múa. Nhưng Sư phụ đã nói: “Hãy cho em ấy một cơ hội và để em cố gắng!” Bây giờ cô ấy đã trở thành một diễn viên múa xuất sắc.

Một chỉ huy trong Đoàn Nghệ thuật Thần Vận nói rằng những biểu diễn của các học viên này chính là Thần tích, là điều không thể có ở người thường. Việc chứng kiến những điều kỳ diệu này đã giúp cô ấy xả bỏ những quan niệm con người. Một thành viên khác của Đoàn Thần Vận chia sẻ rằng múa vũ đạo có liên quan chặt chẽ tới tu luyện và Thần tích chỉ xảy ra trên cơ sở tín Sư tín Pháp.

Một nghệ sĩ Thần Vận chia sẻ trong phim rằng mỗi lần Sư phụ giúp các học viên làm động tác duỗi chân, chính Sư phụ đã gánh chịu cơn đau của họ nên kết quả là họ không đau đớn chút nào. Khi Sư phụ thả tay ra, họ có thể bật khóc vì đau đớn. Sư phụ không bao giờ nói lời nào và Ngài luôn cho rằng thành quả của những nghệ sĩ là dựa vào sự nỗ lực của chính họ. Tôi nhận ra từ điều này là Sư phụ đã gánh chịu tất cả vì chúng sinh, nhưng Ngài không bao giờ nói với chúng ta và đòi hỏi chúng ta bất cứ điều gì; Ngài chỉ mong chúng ta ngày càng tinh tấn, tu luyện vững vàng và đạt viên mãn. Không lời nào có thể diễn tả sự từ bi và vĩ đại của Sư phụ.

Bộ phim cũng cho thấy cách mà các nghệ sĩ Thần Vận phối hợp và hình thành một chỉnh thể, điều này rất giá trị cho các đồng tu ở những hạng mục khác nhau học hỏi. Ví dụ, khi một ca sĩ mắc lỗi trong buổi trình diễn thì tất cả thành viên trong nhóm đều cảm thấy tiếc nuối sau buổi họp rút kinh nghiệm đêm đó, mặc dù các ca sĩ và diễn viên múa thuộc những bộ phận khác nhau trong nhóm. Từ đó chúng ta có thể thấy các thành viên của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận thực sự là một thể thống nhất và không có bất cứ một khoảng cách nào giữa “bạn” và “tôi”. Đây cũng là một trong những lý do Thần Vận có sức mạnh to lớn trong việc cứu người.

Cuối phim cũng cho biết rằng lớp 07 chính là lớp học được Sư phụ yêu quý và tin tưởng nhất—đó là vì các học viên ở đó luôn biết ơn và biết rằng Sư phụ đã giúp họ chịu đựng mọi việc. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể giống như những học viên đó, biết ơn Sư phụ nhiều hơn thì chúng ta sẽ làm tốt hơn.

Nhìn chung, phim “Con đường của chúng tôi” thuật lại con đường tu luyện của các học viên Phi Thiên. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bộ phim đó cũng là tài liệu tham khảo giúp chúng ta làm tốt trên con đường tu luyện của mình. Dù chúng ta có những con đường tu luyện khác so với các học viên ở Phi Thiên, nhưng chúng ta cùng chung trách nhiệm cứu người và có cùng tiêu chuẩn đề cao để tiến tới viên mãn. Không thể mong đợi một sự đối xử đặc biệt nào chỉ vì họ được ở gần Sư phụ.

5. Một ngày vòng quanh New York

Các hoạt động liên quan đến Pháp hội kết thúc vào ngày 20 tháng 5 và chúng tôi tranh thủ thời gian dạo một vòng quanh Manhattan. Nơi dừng chân đầu tiên là lãnh sự quán Trung Quốc, nơi chúng tôi phát chính niệm. Tôi đã từng phát chính niệm ở đây trong dịp giảng chân tướng ở Manhattan năm 2005. Dù mùa Đông chưa đến, tôi vẫn nhớ nhiệt độ hồi đó đã giảm dưới 0 độ và trời rất lạnh với những cơn gió thổi. Lúc này đang là cuối Xuân nên tiết trời khá ấm với những cơn gió mát mẻ, trái hẳn với lần viếng thăm đầu tiên. Tà ác đã, đang và sẽ tiếp tục bị thanh trừ một lượng lớn nên trường không gian trước lãnh sự quán Trung Quốc không còn cảm giác khủng khiếp như trước—môi trường đã tốt hơn trước nhiều. Các học viên địa phương nói rằng họ đã làm rất tốt công việc phân phát tài liệu giảng chân tướng trong ngày chúng tôi phát chính niệm ở lãnh sự quán, rất nhiều người đã đồng ý nhận tài liệu.

Sau bữa trưa, chúng tôi đến công viên Central Park để luyện công và hồng Pháp. Trên những bãi cỏ mềm mại, tươi xanh giữa những đám cây, các học viên luyện các bài công pháp, tạo nên một cảnh tượng bình yên và đẹp đẽ. Một số người đã tới xem, dường như là những người hữu duyên.

Nói tới người hữu duyên, tôi xin chia sẻ một vài câu chuyện nhỏ. Có lần tôi đang chụp hình cho một đồng tu bên cạnh đài phun nước thì một người phụ nữ đi ngang qua đề nghị chụp hình cho chúng tôi. Sau khi chụp hình, bạn đồng tu kia đã tặng cô một hoa sen giấy; cô ấy nói một cách vui sướng rằng nó sẽ mang lại cho cô một tương lai tốt đẹp.

Tôi cũng nghe một đồng tu khác chia sẻ rằng khi cô đang đứng xếp hàng mua vé, một người nước ngoài thấy dòng chữ Pháp Luân Đại Pháp trên ba lô của một học viên liền nhanh chóng bắt tay cô. Có học viên khác chia sẻ một câu chuyện thú vị nhiều năm trước khi cô tham dự Pháp hội ở Washington DC. Cô đang đi bộ trên phố cùng các học viên khác thì một phụ nữ mặc trang phụ truyền thống Hàn Quốc ngăn cô lại và chỉ vào hoa sen trên ba lô của cô. Vị học viên này đã tặng cô ấy hoa sen và người phụ nữ đó tặng lại một thanh sôcôla và kiên quyết muốn cô phải nhận.

Qua nhiều năm, những hoa sen giấy và thẻ kẹp sách được làm bởi các học viên Đài Loan đã trải khắp thế giới, có lẽ chúng đã dẫn những người có duyên tới đắc Pháp. Dù con người đang trong cõi mê, nhưng sau khi đại kiếp qua đi, con người tương lai sẽ còn nhớ tới những gì đệ tử Đại Pháp đã làm cho họ.

6. Bay về giống như bay đi

Với những ký ức đẹp còn văng vẳng trong tâm, chúng tôi bắt đầu chuyến đi trở về nhà. Khi đổi chuyến bay ở Tokyo, chúng tôi lại gặp các nhóm khác đến từ Đài Loan. Hóa ra chuyến bay cuối cùng của cuộc hành trình của chúng tôi là như nhau cho tất cả mọi người, cũng giống như khi chúng tôi khởi hành.

Tôi muốn cùng các bạn đồng tu khích lệ lẫn nhau thông qua bài viết này và hy vọng tất cả đệ tử Đại Pháp có thể bước những chặng cuối cùng thật tốt trên cuộc hành trình này.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/118861
http://pureinsight.org/node/6529



Ngày đăng: 15-11-2013

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.