Vấn đề người tu luyện vay tiền và trả tiền



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục

[Chanhkien.org] Tôi đã không gặp một học viên trong hơn 10 năm. Sau đó nghe nói ông đã bị bắt giữ phi pháp và bức hại tàn khốc. Khi tôi gặp lại ông, ông đã thay đổi rất nhiều và tôi gần như không thể nhận ra ông. Ông nói: “Anh có thể giúp tôi tìm một học viên không?” Tôi trả lời: “Có phải ông cần gì ở họ không?” Ông trả lời: “Tôi đã vay của ông ấy vài nghìn nhân dân tệ cách đây 10 năm. Tôi đã luôn nghĩ về việc trả nợ số tiền đó, nhưng ông ấy đã chuyển đi và tôi không thể tìm được ông ấy.” Tôi bảo ông: “Điều kiện sống của ông ấy tốt hơn ông. Tôi nghe nói ông đã trải qua một thời gian khó khăn. Tất cả chúng ta đều là học viên. Sao ông cứ nhất định phải trả lại tiền?”

Ông rất ngạc nhiên. “Làm sao anh có thể nhận thức tình huống này như vậy được? Sư phụ đã nói đến vấn đề này trong nhiều bài giảng. Đây là một thiên lý. Làm sao các đệ tử Đại Pháp có thể nghĩ đến việc không trả nợ? Chúng ta không phải là người thường. Người thường có thể tìm nhiều cớ để không trả tiền, chúng ta nên làm như vậy sao? Hành vi của chúng ta cần phải chân chính.”

Nghĩ rằng những lời của ông ấy rất có lý nên tôi đã hỏi một câu hỏi khác: “Trong những năm qua, có nhiều trường hợp các học viên vay mượn tiền lẫn nhau. Một số thậm chí đã vay rất nhiều tiền và không thể trả nổi. Điều gì sẽ xảy ra đây?” Ông trả lời: “Sư phụ chưa bao giờ giảng gì về việc không trả tiền chỉ vì ai đó đã vay rất nhiều. Điều quan trọng là tâm của chúng ta thế nào. Niệm đó rất quan trọng. Điều đó cho thấy tâm tính của một học viên. Hơn nữa, trả lại tiền nợ là một thiên lý mà chúng ta cần phải tuân theo.” Tôi nói: “Một số học viên đang gánh chịu những áp lực tài chính nặng nề và có điều kiện sống rất khó khăn. Làm sao họ có khả năng trả tiền?” Ông nói: “Cuộc bức hại được an bài bởi cựu thế lực chứ không phải Sư phụ. Mọi người đều trải qua cuộc bức hại trong những năm qua. Điều mấu chốt là cách chúng ta phủ nhận an bài của cựu thế lực, và mức độ hiểu Pháp của chúng ta. Chúng ta đã phủ định bao nhiêu? Chúng ta đã đột phá được bao nhiêu? Nếu suy nghĩ của chúng ta đủ chính thì Sư phụ sẽ giúp đỡ chúng ta. Kỳ tích sẽ xuất hiện. Đừng đổ lỗi mọi thứ cho cựu thế lực và bỏ bê việc tu luyện của mình.”

Tôi đã sốc vì thể ngộ sâu sắc của người học viên này. Đặc biệt vì Chính Pháp đang đến hồi kết, tôi nghĩ chúng ta nên có nhận thức rõ ràng về vấn đề vay mượn tiền. Sư phụ giảng: “Có học viên trong đầu đang nghĩ: ‘Mình vay tiền cũng không cần trả, hễ rời đi thì chúng ta đều mọi việc xong hết’. (mọi người cười) Xuất phát điểm đó là không được, xuất phát điểm là không đúng thì thảy đều không được đâu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Miền tây Mỹ quốc [2005]). Sư phụ cũng giảng: “nợ gì phải trả nấy, đó là Lý của vũ trụ” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010).

Đối chiếu với những bài giảng của Sư phụ, tôi thấy rằng thể ngộ của tôi, cũng như thể ngộ của nhiều học viên gần tôi, thực sự có một sơ hở lớn. Ví dụ, tôi đã cho các học viên vay tiền vào những năm trước nhưng tôi không bao giờ đòi lại vì sợ làm tổn thương người khác. Sự ích kỷ được ẩn sau những suy nghĩ nhỏ nhặt này. Đó không phải là một chỗ lậu sao? Pháp chưa bao giờ nói rằng những người tu luyện có thể cho người khác vay tiền mà không đòi lại. Nếu chúng ta không có bất cứ quan niệm xấu nào và từ bi nhắc nhở người khác trả tiền, đó cũng là duy hộ một lý trong xã hội người thường. Đặc biệt, nếu chúng ta không đòi lại số tiền đã cho một người thường vay, thì có phải chính chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về nghiệp lực mà người đó gây ra không? Có phải chính chấp trước người thường của chúng ta đã khiến cho người đó tích nghiệp không?

Có một học viên gần tôi là chủ một công ty. Một người bạn không phải là học viên của ông đã yêu cầu ông giao hàng. Cuối cùng người bạn đã vay của công ty 300 ngàn nhân dân tệ. Sau đó, người bạn này liên tục yêu cầu ông giao hàng, nhưng người học viên không thẳng thắn nhắc nhở người bạn trả nợ trước khi giao thêm hàng hóa. Thay vào đó, ông đã dùng tiền của mình để giúp bạn mình trả khoản nợ. Gia đình và bạn bè ông thực sự không hiểu được việc làm của ông. Khi thảo luận, tôi nhận ra rằng người học viên này có một quan niệm. Ông nói: “Trong những năm qua, tôi chưa bao giờ nghĩ về khoản tiền mà người khác nợ tôi. Chúng tôi là bạn bè và người đó biết chân tướng. Làm sao tôi có thể bảo ông ấy trả lại khoản nợ? Không phải đó chỉ là một chút lợi ích thôi sao? Bỏ qua nó đi.” Đồng tu của tôi, không phải anh đang làm hỏng ông ấy sao? Điều gì sẽ xảy ra với người bạn này trong đời tiếp theo? Hơn nữa, người kia không có khả năng trả lại tiền. Bất kể là lý do gì, nếu một người thường nợ một học viên, thì anh ấy nợ một vị Thần. Đây không phải là một vấn đề nhỏ. Chúng ta không thể cho phép những chấp trước người thường của mình gây ra cho người thường nghiệp lực không cần thiết. Ngoài ra, cựu thế lực sẽ dễ dàng dùi vào sơ hở của chúng ta. Buông bỏ chấp trước về lợi không có nghĩa là quên đi món nợ mà người khác nợ bạn. Bằng cách từ bi nhắc nhở người đó trả lại tiền, đó cũng là duy hộ lý trong thế giới người thường.

Các học viên nợ tiền phải có tâm chính niệm chính. Ít nhất bạn phải có ý định trả lại tiền. Nếu bạn kiếm được tiền, hãy trả nó sớm nhất có thể. Giống như người học viên được đề cập ở trên—đã hơn 10 năm nhưng ông vẫn nhớ trả lại tiền. Ngay cả khi ông ấy rất nghèo và phải chịu bức hại, ông vẫn tìm người học viên và trả lại tiền. Ông nói: “Miễn là bạn có ý định trả tiền, Sư phụ sẽ giúp bạn.” Nếu bạn nghĩ bạn đang trong một hoàn cảnh khó khăn và thậm chí không nghĩ đến việc trả tiền thì có lẽ điều đó sẽ truy cầu rắc rối và cựu thế lực sẽ gia tăng bức hại lên bạn, làm trầm trọng khó khăn kinh tế của bạn để bạn sẽ có ít khả năng trả lại tiền hơn. Chúng nắm lấy lý này và cười nhạo bạn: “Hãy nhìn những người tu luyện này xem, họ còn không trả lại tiền mà họ đã mượn của người khác. Họ gọi mình là đệ tử Đại Pháp sao?”

Có lần, một học viên nói đùa rằng: “Trả lại tiền gì? Có lẽ người đó đã nợ tôi ở kiếp trước và bây giờ chúng tôi hết nợ.” Đồng tu, chúng ta không thể còn tệ hơn người thường. Bạn đang chiêu mời tà ác với quan niệm này thế nào đây? Cựu thế lực không bức hại bạn mới lạ. Tu luyện đến hôm nay, nhiều học viên có một trải nghiệm giống nhau: trong quá khứ nếu họ không vượt qua tốt một khổ nạn, họ chỉ nghĩ: “Mình đã không vượt quan. Mình sẽ vượt qua lần sau.” Bây giờ nếu họ không vượt qua một khổ nạn, họ cảm thấy áp lực hơn, nghĩ rằng nó có thể thậm chí nguy hiểm. Cảm giác giống như một La Hán trở nên cao hứng sau đó sợ hãi và rớt xuống.

Cũng có một số học viên hình thành một nhóm chặt chẽ. Miễn là họ có tiền, bất cứ ai cũng có thể tiêu nó. Nếu một người trong số họ hết tiền, họ sẽ mượn một vài ngàn từ người khác. Nếu người kia hết tiền, anh ấy sẽ mượn một vài ngàn từ một người khác nữa. Hiếm khi họ trả lại tiền. Sau vài năm, không ai biết họ đã nợ của nhau bao nhiêu. Đây không phải là hành vi của một người tu luyện. Pháp của Sư phụ chưa bao giờ bảo chúng ta làm điều này. Cho dù một người tu luyện làm gì, anh ta phải cân nhắc đến người khác. Một người tu luyện không nên chỉ làm điều anh ta muốn, làm cho gia đình hoặc người thường không thể hiểu chúng ta. Chúng ta không chấp trước vào tiền bạc, nhưng chúng ta phải có một nhận thức rõ ràng. Chúng ta phải bước trên con đường ngay chính.

Thời cổ xưa, người ta coi việc trả nợ là rất nghiêm túc. Ví dụ như, nếu ai đó vay tiền từ một người bạn mà không có bằng chứng viết tay và gia đình không hay biết, thì khi người bạn chết đi, người vay tiền sẽ vẫn trả tất cả số tiền đó cho gia đình. Có nhiều ví dụ như vậy. Mặc dù các tiêu chuẩn đạo đức con người đã trượt xuống tận đáy nhưng thiên lý “khiếm trái hoàn tiền” (nợ thì phải trả) và “bất thất bất đắc” (không mất không được) không bao giờ thay đổi. Chúng ta đang khôi phục điều này. Nếu chúng ta làm tốt thì chúng ta sẽ phục hồi lại tiêu chuẩn đạo đức truyền thống của con người. Chúng ta đang để lại con đường được quy chính cho con người tương lai.

Đây chỉ là nhận thức hạn hẹp của tôi với mục đích thảo luận. Xin từ bi chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/116527
http://pureinsight.org/node/6456



Ngày đăng: 29-06-2013

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.