Chuyện cổ Phật gia: Thông Huyền

Tác giả: Mộc Mộc

[Chanhkien.org] Thông Huyền, nguyên họ là Lý, người Đông Bắc Thái Nguyên, người ta gọi là trưởng lão, cũng gọi là Táo Bách đại sĩ. Ông mình cao hơn bảy thước, mặt có sắc tím, mày dài quá mắt, môi đỏ răng chắc, đầu đội mũ hoa, mình mặc áo vải, eo không thắt lưng, chân không đi giày, hành vi cử chỉ khó đoán. Tính cách ông phóng khoáng, không chịu trói buộc, khiến người ta ngạc nhiên. Ông thông cổ bác kim, tinh thông Nho học, Phật học.

Ông chuyên tâm vào kinh Hoa Nghiêm. Năm Khai Nguyên thứ 7 (719 SCN), Thông Huyền mang theo bản dịch mới kinh Hoa Nghiêm tới nhà Cao Sơn Nô tại thôn Đại Hiền, xã Đồng Dĩnh ở Tây Nam huyện Vu. Ông một mình trong phòng nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm 3 năm không ra khỏi nhà. Mỗi ngày ông chỉ ăn 10 quả táo, 1 chiếc bánh, còn gì cũng không cần, khiến nhà họ Cao và hàng xóm đều thấy rất kỳ lạ. Thông Huyền từng mang kinh thư từ thôn Hàn trở về, trên đường gặp phải hổ. Ông vỗ về vào lưng hổ, để nó mang kinh thư về, và hổ nghe theo lời ông.

Nơi Thông Huyền ở không có dòng suối nào có thể uống được. Một ngày, một trận cuồng phong nổi lên làm bật gốc một cây tùng già. Chỗ đất nơi rễ cây bị quật lên trở thành cái ao sâu hơn mười thước. Nước trong ao rất ngọt và được gọi là suối trưởng lão. Ngoài ra, trong phòng của ông cũng không hề có nến; tuy nhiên mỗi khi đêm tới, trong phòng đều có ánh sáng trắng xuất hiện. Từ khi Thông Huyền tới nơi này, thường có hai cô gái tới chuyển đồ ăn. Sau khi dùng xong, hộp đựng thức ăn cũng không thấy đâu nữa. Cứ như thế 5 năm, đến nỗi giấy mực cũng dùng mãi không vơi.

Ngày 28 tháng 3 năm Khai Nguyên thứ 18, Thông Huyền viên tịch, thọ 96 tuổi. Khi ông viên tịch có một luồng sáng trắng từ đỉnh đầu thông thẳng lên không trung.

(Theo “Thần tăng truyện”, quyển 7)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/43606
http://pureinsight.org/node/4604