«Cách Am Di Lục» toàn giải (Thiên 6): Thánh sơn tầm lộ (Phần 2)

Tác giả: Nguyên giải: Chính Hạo / Biên tập: Chánh Kiến Net

[Chanhkien.org] Giới thiệu: «Cách Am Di Lục» (Gyeokamyurok) là cuốn sách tiên tri thần kỳ do học giả Nam Sư Cổ truyền lại từ 470-480 năm trước đây tại Triều Tiên (nay thuộc Hàn Quốc). Nam Sư Cổ, hiệu Cách Am, là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, với khả năng tiên tri, có thể được ví với Thiệu Khang Tiết thời Bắc Tống ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tương truyền «Cách Am Di Lục» là do một vị Thần nhân ở núi Kim Cương khẩu thuật và Nam Sư Cổ ghi lại từng câu từng chữ. Toàn bộ cuốn sách phân làm 60 thiên với gần 4 vạn chữ. Phá giải «Cách Am Di Lục» đã trở thành một chủ đề nóng tại Hàn Quốc vào những thập niên 80-90. Trong dự ngôn giảng rất minh xác về một Đại Pháp Đại Đạo hồng truyền thế gian, nhưng phải trải qua một trường ma nạn, đồng thời cũng giảng về những vấn đề mà nhân loại sẽ phải đối mặt.

*  *  *

Đệ lục thiên “Thánh sơn tầm lộ” (tiếp theo Phần 1)

Lời tựa: “Tìm đường nơi ngọn núi thánh”—Thiên này là Thần nhân dẫn dắt thế nhân bước vào con đường tu luyện Đại Pháp. Thiên này còn đề cập đến luyện công, học Pháp, Pháp Luân Công gặp phải trấn áp, Đại Thánh nhân là ai, nơi Đại Thánh nhân xuất sinh, v.v. Tóm lại là một thiên mang tính chất tổng hợp khái quát.

Huyền diệu tinh thông thùy khả tri, Ngộ cầu lưỡng bạch phụ tân nhập hỏa.
Cầu cung tam phong bất cơ trường sinh, Cầu địa tam phong thực giả bất sinh.
Cầu Trịnh địa giả bình sinh bất đắc, Cầu Trịnh vu thiên tam thất mãn túc.
Nhất tâm kỳ đảo thiên hữu ứng đáp, Vô thành vô địa bất đắc thắng địa.
Địa bất phùng Trịnh vương, Cầu thế hải nhân bất kiến chi ảnh.
Cầu thiên hải ấn giai nhập cực lạc, Cầu địa điền điền bình sinh nan đắc.
Cầu Đạo điền điền vô nan dị đắc, Cầu địa thập thắng dị đoan chi thuyết.
Cầu địa cung cung nhất nhân bất đắc, Cầu linh cung cung nhân như phản chưởng.
Thập thắng giác lý nhất tự tung hoành, Cầu thập cung Ất duyên niên ích thọ.
Thập thắng cư nhân nhập vu vĩnh lạc, Vạn vô nhất thất.
Tâm giác tâm giác, Bần giả đắc sinh phú giả bất đắc.
Hư trung hữu thực, Thánh sơn thủy tuyền dược chi hựu dược.
Nhất ẩm duyên thọ ẩm chi, Hựu ẩm bất tử vĩnh sinh.
Thánh tuyền hà tại Nam tiên bình xuyên, Tử hà đảo trung vạn tính hữu xứ.
Phúc địa đào nguyên nhân phú tầm, Nhập sơn tuy hảo bất như Tây hồ.
Đông sơn thùy lương bất như lộ biên, Đa nhân vãng lai đại chi biên.
Thiên tàng địa bí Cát tinh chiếu, Quế phạm phác thụ chi thượng.
Tô lai lão cô lưỡng sơn tương vọng hi tọa sơn,
Thạch bạch thạch quang huy, Thiên hạ liệt quang kiến như dạ đáo thiên tao.
Bách vạn kỳ khoảnh khắc ngạn đáo, Tam đô dụng khố an nhàn chi nhật.
Thiên nhật nguyệt tái sinh nhân, Nhân nhân đắc địa bất tử vĩnh sinh.
Trịnh Kham dự ngôn hữu trí giả sinh, Vô trí giả tử.
Bần giả sinh phú giả tử, Thị diệc chân lý hĩ.

Huyền diệu tinh thông thùy khả tri, Ngộ cầu lưỡng bạch phụ tân nhập hỏa” (Huyền diệu tinh thông nào ai biết, Cầu lầm hai trắng vác củi vào lửa): Liệu có ai biết Pháp lý bác đại tinh thâm, huyền diệu vô cùng của Pháp Luân Đại Pháp? Nếu cầu sai lầm lý “lưỡng bạch”, truy cầu điều gì đó, thì khác gì vác củi cho vào lửa mà tự chịu diệt vong. “Lưỡng bạch” đã được giải là ngôn ngữ thiển bạch, đạo lý minh bạch; hoặc tâm trắng và thân trắng; hoặc nãi bạch thể và tịnh bạch thể.

Cầu cung tam phong bất cơ trường sinh, Cầu địa tam phong thực giả bất sinh” (Cầu cung ba phong không đói mà trường sinh, Kẻ cầu đất ba phong ăn mà không sống): Nếu cầu “cung” (弓) [gōng] (Pháp Luân Công), “ba phong” (Chân-Thiện-Nhẫn), thì sẽ không đói mà trường sinh; còn nếu cầu “ba phong” nào đó dưới mặt đất, thì cho dù ăn no cũng không thoát khỏi sinh-lão-bệnh-tử.

Cầu Trịnh địa giả bình sinh bất đắc, Cầu Trịnh vu thiên tam thất mãn túc” (Kẻ cầu đất Trịnh cả đời không đắc, Cầu Trịnh ở trời ba bảy tròn đầy): “Trịnh” (郑) [zhèng] đồng âm với “Chính” (正) [zhèng], tức Chính Đạo, chứ không phải đất Trịnh. Nghĩa là nếu cầu chính Pháp trên trời, thì sẽ đắc được “ba bảy tròn đầy”, tức “thập thắng”. Về “ba bảy”, trong Kinh Dịch có thuyết “trái ba phải bảy”, “trời ba đất bảy”, tuy nhiên người viết cho rằng “ba bảy tròn đầy” chỉ “thập thắng”. “Thập” là số đầy, chỉ Vô Cực, Đại Pháp Đại Đạo, thực tế chỉ Pháp Luân Đại Pháp.

Nhất tâm kỳ đảo thiên hữu ứng đáp, Vô thành vô địa bất đắc thắng địa. Địa bất phùng Trịnh vương” (Nhất tâm cầu khấn trời có đáp lại, Không thành không đất không được thắng địa. Đất không gặp vua Trịnh): Nhất tâm mong nghĩ tu Đạo thì trời sẽ an bài cơ duyên đắc Pháp; còn nếu không thành tâm (“vô địa” đồng âm với “vô trí”), thì sẽ không đắc thắng địa tu luyện; mà nếu tìm gì dưới đất kia thì sẽ không gặp được Đại Thánh nhân.

Cầu thế hải nhân bất kiến chi ảnh. Cầu thiên hải ấn giai nhập cực lạc” (Cầu thế tục không thấy bóng người hải nhân, Cầu ấn biển của trời đều nhập cực lạc): Dùng quan điểm thế tục mà nhìn thì không thấy “hải nhân”, tức “hải ấn chi nhân”, hay người tu luyện chân chính; nhưng nếu cầu “ấn biển của trời” (“ấn biển” ẩn dụ Pháp Luân), dùng tâm cảnh cầu trời đắc Đạo, mong muốn tu luyện Pháp Luân Công, thì sẽ có thể nhập thế giới cực lạc. “Thế giới cực lạc” ở đây ẩn dụ đắc Đạo.

Cầu địa điền điền bình sinh nan đắc. Cầu Đạo điền điền vô nan dị đắc” (Cầu đất điền điền cả đời khó đắc. Cầu Đạo điền điền không khó dễ đắc): Nếu như cầu ruộng ở mặt đất, thì tìm cả đời cũng khó được; nhưng nếu cầu ruộng Đạo, thì tìm một cái là thấy ngay, không có gì là khó cả. Chữ “điền” (田) {ruộng} ẩn dụ hình tượng Pháp Luân với cửu cung.

Cầu địa thập thắng dị đoan chi thuyết. Cầu địa cung cung nhất nhân bất đắc, Cầu linh cung cung nhân như phản chưởng” (Cầu đất thập thắng là thuyết dị đoan. Cầu đất cung cung một người không đắc, Cầu linh cung cung như trở bàn tay): Cầu đất thập thắng là thuyết dị đoan, cầu đất thập thắng (“cung cung”) thì một người cũng không đắc được. Chỉ có cầu tu luyện tâm linh (“cầu linh cung cung”) thì mới tìm thấy Đại Pháp Đại Đạo, dễ như trở bàn tay vậy.

Thập thắng giác lý nhất tự tung hoành, Cầu thập cung Ất duyên niên ích thọ. Thập thắng cư nhân nhập vu vĩnh lạc, Vạn vô nhất thất. Tâm giác tâm giác” (Lý giác thập thắng một chữ ngang dọc, Cầu thập cung Ất kéo dài tuổi thọ. Người ở thập thắng nhập vào vĩnh lạc, Tuyệt đối chắc chắn. Tỉnh tâm tỉnh tâm): “Một chữ ngang dọc” chính là chữ “thập” (十), cầu “thập cung Ất”, tức Pháp Luân Công, sẽ có thể trường thọ. «Cách Am Di Lục» thường dùng “cung Ất”, “lưỡng cung song Ất”, “cung cung Ất Ất” để chỉ Pháp LuânPháp Luân Công nói chung. “Cung cung” (弓弓) chỉ Thái Cực đồ của Đạo gia gồm hai nửa Âm-Dương xoắn vào nhau theo hình vòng cung; “Ất Ất” (乙乙) chỉ phù hiệu chữ Vạn “卍” của Phật gia, Ất+Ất = “乙”+”乙” = “卍”. Người tu Pháp Luân Đại Pháp sẽ được vào thế giới vĩnh sinh vĩnh lạc, điều này là khẳng định chắc chắn. Hỡi con người thế gian, hãy “tỉnh tâm”, thanh tỉnh đi.

Bần giả đắc sinh phú giả bất đắc. Hư trung hữu thực” (Kẻ nghèo được sống kẻ giàu không được. Trong hư có thực): Đại Pháp “thập thắng” này, người nghèo sinh hoạt thanh bần thì dễ đắc được mà sống, còn kẻ giàu an dật quá đâm ra khó đắc, nên tự nhiên không đắc sinh.

Thánh sơn thủy tuyền dược chi hựu dược. Nhất ẩm duyên thọ ẩm chi, Hựu ẩm bất tử vĩnh sinh” (Nước suối núi thánh là thuốc của thuốc, Hễ uống là kéo dài tuổi thọ, Lại uống thì không chết mà sống mãi): “nước suối núi thánh” ẩn dụ Pháp lý tu luyện cao thâm của Pháp Luân Đại Pháp, giúp tu mệnh và đạt vĩnh sinh.

Thánh tuyền hà tại Nam tiên bình xuyên, Tử hà đảo trung vạn tính hữu xứ. Phúc địa đào nguyên nhân phú tầm” (Suối thánh tại đâu đồng bằng Nam tiên, Trong đảo mây tía chỗ ở vạn họ. Gốc đào đất lành tìm giàu nhân đức): “Nam tiên” là “Nam Triều Tiên”, tức Hàn Quốc. Ngọn suối thánh này chảy ở vùng “bình xuyên”, tức vùng thung lũng miền Nam Hàn Quốc, nơi có nhiều người đắc Pháp tu luyện nhất. “Đảo mây tía” chỉ Pháp Luân, “chỗ ở vạn họ” là các ngành các nghề, nam nữ già trẻ đều tham gia tu luyện Pháp Luân Công, nên tại “gốc đào đất lành” này mới tìm thấy chữ “Thiện” để trường thọ vĩnh sinh.

Nhập sơn tuy hảo bất như Tây hồ. Đông sơn thùy lương bất như lộ biên, Đa nhân vãng lai đại chi biên” (Vào núi tuy tốt không như Tây hồ. Núi Đông ai hiền không như bên đường, Nhiều người qua lại ven bờ lớn): “Tây hồ” ở đây không phải chỉ Tây Hồ ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, mà chỉ điểm luyện công ven hồ của Pháp Luân Công. Ở đây có thể có hai ý, một là khuyên những ai tìm “chân lý thập thắng” không phải “lên núi tu Đạo” nữa, hai nữa là gợi ý người tu luyện địa điểm luyện công nào là tốt nhất. Gợi ý rằng nên tìm điểm luyện công ở ngoài trời, chỗ bờ hồ có nhiều người qua lại, chỗ đó là tốt nhất, có lợi nhất cho việc hồng truyền Pháp Luân Công.

Thiên tàng địa bí Cát tinh chiếu, Quế phạm phác thụ chi thượng. Tô lai lão cô lưỡng sơn tương vọng hi tọa sơn” (Giấu trời giữ đất sao lành chiếu, Trên cành cây quế mộc mạc. Cây lê già nơi hai núi nhìn lẫn nhau): “Phạm phác” nghĩa là mộc mạc như trúc, bốn mùa đều xanh, mà “lâm” {rừng} bốn mùa đều xanh thì chính là “Trường Xuân”, là thủ phủ Trường Xuân của tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Chữ “phác” (朴), nghĩa là “mộc mạc, giản dị”, xuất hiện nhiều lần tại nhiều thiên trong «Cách Am Di Lục», là chỉ Đại Thánh nhân hoặc đệ tử của Đại Thánh nhân. “Phạm phác” chính là chỉ người sáng lập Pháp Luân Công truyền Pháp bắt đầu từ Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Thành phố Trường Xuân, thuộc Cát Lâm chính là “Cát tinh”, hay “sao lành”. “Cây lê già hai núi nhìn lẫn nhau” đã được giải là đất Công Chủ Lĩnh, nơi xuất sinh Đại Thánh nhân; Công Chủ Lĩnh là thánh địa “Giấu trời giữ đất sao lành chiếu”.

Thạch bạch thạch quang huy, Thiên hạ liệt quang kiến như dạ đáo thiên tao. Bách vạn kỳ khoảnh khắc ngạn đáo” (Đá trắng tỏa ánh đá, Ánh sáng thiên hạ thấy như đêm đá nghìn thuyền. Trăm vạn cờ phút chốc đến bờ): “Đá trắng” chỉ chấm trắng trong Thái Cực của đồ hình Pháp Luân, “thiên hạ liệt quang” tức “thiên hạ liệt bang”, hay các nước trong thiên hạ. Các nước trên thế giới đều có một lượng lớn người tu luyện Pháp Luân Công, Đại Pháp hồng truyền rất nhanh trên khắp thế giới.

Tam đô dụng khố an nhàn chi nhật. Thiên nhật nguyệt tái sinh nhân, Nhân nhân đắc địa bất tử vĩnh sinh” (Ba đô dùng kho ngày an nhàn. Trời nhật nguyệt tái sinh người, Người người được đất không chết sống mãi): “Tam đô” là ba thành thị Hàn Quốc—Seoul, Daegu, Busan, ba trung tâm hoằng truyền Pháp Luân Công tại Hàn Quốc. “Thiên nhật nguyệt” (天日月) là “thiên minh” (天明), tức lúc bình minh. Đây là thuở bình minh tái tạo nhân loại, người người tìm được chốn tu luyện, nhờ đó “bất tử vĩnh sinh”.

Trịnh Kham dự ngôn hữu trí giả sinh, Vô trí giả tử. Bần giả sinh phú giả tử, Thị diệc chân lý hĩ” (Trịnh Kham tiên tri rằng kẻ có trí thì sống, kẻ vô trí thì chết. Kẻ nghèo sống kẻ giàu chết, cũng là chân lý vậy): Ông Trịnh Kham, một nhà tiên tri Hàn Quốc từng dự ngôn rằng: kẻ có trí thì sống, kẻ vô trí thì chết, kẻ nghèo sống kẻ giàu chết. Đúng là chân lý vậy!

(Hết thiên 6)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/21070