Nhân sinh cảm ngộ: Tự trách mình hay trách người khác



Tác giả: Quán Minh

[Chanhkien.org] Trong mâu thuẫn, liệu chúng ta chỉ trích người khác hay nhìn vào trong là một thước đo cảnh giới tinh thần của chúng ta. Có câu nói rằng, “Phải có hai người để nhảy một điệu tăng-gô”. Nghĩa là bất cứ xung đột nào ở thế giới con người cũng đều không gây ra chỉ bởi một phía. Nói cách khác, cả hai bên đều nên xem xét chính mình, và liệu họ có làm được điều này hay không sẽ quyết định kết quả.

Trong Luận Ngữ, đức Khổng Tử nhiều lần đàm luận về vấn đề trách kỷ hay trách nhân. Một số ví dụ là “Quân tử yêu cầu chính mình, tiểu nhân yêu cầu người khác”, hay “Tự hỏi bản thân trước khi trách người khác là xa rời sự oán hận”. Theo ý hiểu của tôi, đức Khổng Tử muốn nói nếu một người nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với người khác, thì sẽ có ít người oán anh ta hơn. Bậc thánh hiền khác với người bình thường ở chỗ trách mình thay vì trách người khác, và tha thứ cho người khác hơn là tha thứ cho mình. Từ quan hệ vua-tôi ở quốc gia, cho tới xã giao thông thường, nếu hai bên đều có thể nhìn vào bản thân trước, thì mâu thuẫn sẽ dễ giải quyết hơn nhiều. Ngược lại, phàn nàn và chỉ trích lẫn nhau sẽ chỉ khiến tích tụ oán hận, tăng cường mâu thuẫn và rạn nứt quan hệ. Nhiều bất hạnh trong cuộc sống xảy ra chỉ vì những người liên quan không phản tỉnh, mà oán hận và chỉ trích lẫn nhau. Nếu một cá nhân thường xuyên tìm kiếm thiếu sót của bản thân và quan tâm tới người khác, thì có thể tránh được nhiều mâu thuẫn. Mang theo tâm thái tường hòa và an tĩnh, chúng ta có thể tạo ra một môi trường hạnh phúc cho mình và người khác, cũng như toàn xã hội.

Trung Quốc có nền văn hóa và lễ nghi với 5.000 năm lịch sử. Tuy nhiên, từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền 60 năm trước, sự tàn bạo và tẩy não của nó thông qua giáo dục đã tẩy sạch đức tính khiêm tốn và nhún nhường trong văn hóa truyền thống. Đây là một sự kiện mà tôi đã chứng kiến khi đến Trung Quốc. Trên một xe buýt đông đúc, một người đàn ông trung niên vô tình va phải một người thanh niên. Người thanh niên nói: “Ông bị mù à?” Người đàn ông trung niên nổi giận và họ xô xát với nhau. Cả hai đều bị đánh chảy máu, nhưng không ai chịu dừng cho tới khi cảnh sát tới. Vào cuối năm 2005, trên tuyến xe buýt 726 ở Bắc Kinh, tôi đã chứng kiến một sự cố khác. Nữ nhân viên bán vé đã tranh cãi với một cô gái 14 tuổi rằng liệu cô gái có phải trả thêm phí hay không, bởi vì cô gái vẫn không xuống khi xe đã dừng đúng bến. Họ đánh nhau, và cô bán vé đã đánh cô gái ngã xuống sàn. Cô gái ngất xỉu, không thể tỉnh lại, và chết sau đó. Sau khi ra khỏi Trung Quốc, tôi thấy rằng khi người ngoại quốc vô tình chạm phải nhau ở chỗ đông người, họ lịch thiệp xin lỗi thay vì trách móc người khác.

Bởi vậy, nếu một người chỉ trích người khác và phàn nàn về mọi thứ, người ấy đang che đậy lỗi lầm và trốn tránh trách nhiệm. Nó sẽ dẫn tới tranh cãi không cần thiết và tạo ra những rào cản lớn hơn giữa mọi người. Cách duy nhất để giải quyết xung đột là nhìn vào trong và xem xét chính mình. Do đó, thay vì trách người khác, chúng ta nên tìm lỗi lầm và thiếu sót ở bản thân. Bằng cách đó, chúng ta sẽ không ngừng thăng tiến và bước đi trên con đường Đạo.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2009/11/20/62698.html
http://pureinsight.org/node/5891



Ngày đăng: 26-08-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.