Giải mã «Khải Huyền» (1): Thượng Đế không phải duy nhất và toàn năng

Tác giả: Bạch Ca

[Chanhkien.org] Giới thiệu: «Thánh Kinh•Khải Huyền» là dự ngôn nổi tiếng nhất, tiên tri chuẩn xác và toàn diện nhất về lịch sử nhân loại. Bởi vì nó là bộ cuối cùng của Thánh Kinh, các loại đạo lý của Thánh Kinh đều bao hàm trong đó, nên có người ví nó là “tổng trạm” của Thánh Kinh. Tác giả «Khải Huyền» là Thánh John, một trong 12 tông đồ của Chúa Jesus. Vào 2.000 năm trước, Thánh John bị lưu đày tới đảo Patmos, nơi ông được Thần lĩnh tới thiên quốc và nhìn thấy cuốn sách với bảy phong ấn; «Khải Huyền» chính là ông đã căn cứ cảnh tượng nhìn thấy và ghi lại mà thành.

*  *  *

Khải thị 1: Thượng Đế không phải duy nhất và toàn năng

Giải mã «Thánh Kinh•Khải Huyền» là để khải thị thế nhân trong ô nhiễm cuồn cuộn của cõi hồng trần, giúp người đời minh bạch chân tướng, phá trừ an bài của thế lực cũ, từ đó được Cứu Thế Chủ cứu độ. Tiết 7 chương 22 «Khải Huyền» viết: “Phước cho người vâng giữ những lời tiên tri trong sách này“. Thượng Đế không phải duy nhất, cũng không phải toàn năng, đây là một khải thị trọng yếu trong «Khải Huyền».

Tiết 2 chương 4 «Khải Huyền» viết: “Lập tức tôi được ở trong Đức Thánh Linh, và kìa, trên trời có một cái ngai, trên ngai có một Đấng đang ngồi”. Tại đây, Thánh John đã nhìn thấy đấng ngự trên ngai chính là Thượng Đế Jehovah (Thiên Chúa) trong quan niệm Cơ Đốc giáo.

Tiết 4 chương 20 «Khải Huyền» miêu tả: “Kế đó tôi thấy các ngai và những người ngồi trên các ngai, và họ được ban cho quyền xét xử”. Cũng là nói rằng trong vũ trụ không phải chỉ có một “đấng ngự trên ngai”, Đấng Chủ Tể Thiên Địa và vị Thần Tối Cao có quyền phán xét cuối cùng cũng không phải Thượng Đế mà tín đồ Cơ Đốc biết. Còn có mấy vị Thượng Đế như vậy nữa, cũng là các ngai có quyền thẩm phán.

Thánh Kinh nói Chúa Jesus đến thiên quốc ngồi đồng tọa với Thượng Đế, Chúa Jesus cũng nói đệ tử chân chính của Ngài tương lai lên thiên quốc cũng sẽ ngồi “đồng tọa” với Ngài. Tuy nhiên “đồng tọa” ở đây không có nghĩa là ngồi “cùng ngai”, càng không thể là “cùng có quyền thẩm phán”. Tiết 4 chương 4 «Khải Huyền» viết: “Chung quanh ngai có hai mươi bốn ngai khác; trên các ngai ấy tôi thấy hai mươi bốn vị trưởng lão đang ngồi, mình mặc y phục trắng, và đầu đội mão bằng vàng”. Nguyên văn tiếng Anh: “And round about the throne [were] four and twenty seats: and upon the seats I saw four and twenty elders sitting, clothed in white raiment; and they had on their heads crowns of gold“. Như vậy bản tiếng Anh dùng “seat” (chỗ ngồi) để phân biệt với “throne” (ngai). Chỗ ngồi của các vị trưởng lão đều dùng “seat” để biểu thị. Ngự trên ngai mới có quyền thẩm phán, ở trên thiên giới là uy đức và thân phận phải từ Thượng Đế trở lên. Cứu Thế Chủ không phải Thượng Đế, nhưng có quyền thẩm phán, và cũng ngự trên ngai.

Tiết 11 chương 19 «Khải Huyền» viết: “Bấy giờ tôi thấy trời mở ra; và kìa, một con ngựa trắng với người cưỡi nó được xưng là Đấng Thành Tín và Chân Thật, và Ngài theo lẽ công chính mà đoán xét và tuyên chiến“. Đoạn này chỉ rõ Cứu Thế Chủ, “Vua của các Vua, Chúa của các Chúa”, cũng có quyền thẩm phán. Ngoại trừ Cứu Thế Chủ và Thượng Đế ra, Thánh John cũng nhìn thấy từ quyển sách với bảy phong ấn các Thần khác cũng có quyền thẩm phán, nhưng không biết danh hiệu các vị Thần đó là gì, nên «Khải Huyền» mới nói “các ngai” chứ không phải chỉ có “hai ngai”. «Khải Huyền» dùng “đấng ngự trên ngai” ([one] sat on the throne) chứ không dùng “Thượng Đế” (God), lấy đó để khải ngộ thế nhân rằng Thượng Đế không phải chỉ có một mình Jehovah; Bàn Cổ cũng khai mở trời đất, Nữ Oa phương Đông cũng dùng đất bùn tạo ra con người, nhưng đều không phải Thượng Đế trong khái niệm người Tây phương. Nghĩa là trên thiên quốc có các Thượng Đế, chứ không phải chỉ một mình Thượng Đế.

Sách “Sáng Thế Ký” trong «Cựu Ước» viết: “Thuở ấy đất hoang tàn và trống không. Bóng tối bao phủ trên mặt vực thẳm. Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước”. Cũng là nói Thượng Đế trong hoàn cảnh “Thiên Địa hỗn độn, trong đó có nước” để sáng tạo ra vạn vật. “Thiên Địa hỗn độn, trong đó có nước” chính là nơi Thiên Chúa Jehovah sinh tồn. Trong Thiên Địa hỗn độn này, Thiên Chúa Jehovah không phải chỉ là một vị Thần lẻ loi tại nơi đó, mà còn có rất nhiều Thượng Đế khác giống như Jehovah.

Tiết 11 chương 20 «Khải Huyền» viết: “Bấy giờ tôi thấy một chiếc ngai trắng lớn và Đấng ngồi trên ngai đó. Trước mặt Ngài đất và trời đều biến mất, chẳng còn thấy đâu nữa“. Thượng Đế là Vương của Thiên Địa, nhưng Thiên Địa đều biến mất trước mặt vị Thần này, điều ấy chứng tỏ vị Thần này là ở bên trên Thượng Đế. Ngai của vị Thần này không phải ngai của Thượng Đế mà Thánh John nhìn thấy trên thiên quốc, nên «Khải Huyền» mới dùng màu trắng để phân biệt.

Tiết 3 chương 5 «Khải Huyền» viết: “Nhưng không ai trên trời, dưới đất, hoặc trong lòng đất có thể mở cuộn sách ấy, hoặc nhìn vào đó“. Cũng như Hoàng Đế tự mình viết chiếu thư, xem trên thế gian có ai có thể mở được, nhìn rõ được? Nếu cả Hoàng Đế và các đại thần đều không thể mở ra và nhìn rõ ràng, thì đây nhất định là thiên thư, bởi vậy Hoàng Đế mới tìm khắp thiên hạ xem ai là cao nhân có thể đọc thiên thư. Bởi vì lịch sử với bộ bảy phong ấn này là do Thần trong quá khứ ở tầng cực cao an bài, và “đấng ngự trên ngai” cũng nằm trong phạm vi đó, nên ở đây đã dùng “không ai trên trời, dưới đất, hoặc trong lòng đất” để biểu thị tất cả chúng sinh trong phạm vi của “đấng ngự trên ngai” đều không thể khai mở phong ấn. Thượng Đế kỳ thực cũng không phải là toàn năng, “Thượng Đế Toàn Năng” chỉ là tôn xưng của thế gian với Ngài mà thôi, cũng như người xưa tung hô “Hoàng Đế vạn tuế, vạn vạn tuế” vậy.

Do đó, Thượng Đế không phải duy nhất, cũng không phải toàn năng, đây là chân tướng lịch sử mà «Khải Huyền» khải thị con người thế gian.

Ghi chú: Để hiểu được toàn bộ nội dung «Khải Huyền», mời quý độc giả đọc loạt bài Chính giải «Thánh Kinh•Khải Huyền».

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/74195