Toàn tân giải dịch «Thôi Bối Đồ»: Tượng 42 – Chiến tranh Giáp Ngọ Trung-Nhật



Tác giả: Mộc Tử

Tượng 42 «Thôi Bối Đồ»

[Chanhkien.org] Trong bức họa là một người nâng đỡ chiếc cây đang khuynh đảo, rễ cây đã lộ ra ngoài. “Khuynh” (倾) [qīng] {nghiêng ngả} với “Thanh” (清) [qīng] {triều Thanh} là đồng âm.

Giới thiệu: «Thôi Bối Đồ» là cuốn sách tiên tri nổi tiếng nhất Trung Quốc, do Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong đồng sáng tác vào những năm Trinh Quán triều Đường, tổng cộng 60 hình vẽ (đồ tượng), bên dưới có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ. Người thống trị sợ tính chuẩn xác của nó, nên cố ý đảo loạn thứ tự các Tượng, loạt bài này sắp xếp lại cho đúng.

*  *  *

Tượng 42 (Chiến tranh Giáp Ngọ Trung-Nhật)

Sấm viết:

Cụ tắc sinh giới
Vô viễn vật giới
Thủy biên hữu nữ
Đối nhật tự bái

Tụng viết:

Ký du thần khí chung vô dụng
Dực dực tiểu tâm hữu thần chúng
Chuyển nguy vi an kiến tiết nghĩa
Vị tất hà sơn tự ngã tống

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Sợ thì sinh giới
Không xa chớ tới
Ven nước có nữ
Mặt trời tự bái

Tụng rằng:

Muốn thu thần khí thật uổng công
Cẩn thận chú ý bề tôi đông
Chuyển nguy thành an thấy tiết nghĩa
Non sông không hẳn tự mình tống

Giải:

“Cụ tắc sinh giới, Vô viễn vật giới” (Sợ thì sinh giới, Không xa chớ tới): chỉ “chiến tranh Giáp Ngọ” năm 1895. Lý Hồng Chương, Đinh Nhữ Xương sợ quân Nhật nên áp dụng chính sách phòng ngự dè dặt. Tàu thuyền của hạm đội Bắc Dương đại đa số gọi là “Viễn”, như Định Viễn, Trí Viễn, Trấn Viễn, Tế Viễn, v.v.

“Thủy biên hữu nữ, Đối nhật tự bái” (Ven nước có nữ, Mặt trời tự bái): thủy (氵) đặt cạnh “nữ” (女) chính là chữ “Nhữ” (汝), “nhật” (日) tự bái chính là chữ “Xương” (昌), chỉ Đinh Nhữ Xương. Thất bại khi chiến đấu với quân Nhật nguyên nhân là do chỉ huy cá nhân của Đinh Nhữ Xương. “Bái” (拜) [bài] {bái lạy} đồng âm với “bại” (败) [bài] {thất bại}.

“Ký du thần khí chung vô dụng, Dực dực tiểu tâm hữu thần chúng” (Muốn thu thần khí thật uổng công, Cẩn thận chú ý bề tôi đông): chỉ Nhật Bản muốn thôn tính Trung Quốc nhưng cuối cùng không được, trong triều có nhiều bề tôi trung thành bảo vệ.

“Chuyển nguy vi an kiến tiết nghĩa, Vị tất hà sơn tự ngã tống” (Chuyển nguy thành an thấy tiết nghĩa, Non sông không hẳn tự mình tống): Đinh Nhữ Xương và một số người theo ông tự sát báo quốc, Lý Hồng Chương cùng Nhật Bản ký kết điều ước Mã Quan, triều Thanh lại vượt qua một lần nguy cơ nữa. Tuy nhiên sau khi ký kết điều ước Mã Quan, người ta đem tội đổ hết lên đầu Lý Hồng Chương, gọi ông là “bán nước”, giáng ông xuống chức Tổng đốc Lưỡng Quảng. Triều Thanh diệt vong là quy luật “thành-trụ-hoại-diệt” tất nhiên của vũ trụ, cây lớn sắp đổ, sức người không sao đỡ được. “Non sông không hẳn tự mình tống” là giải thích lịch sử cho người đời sau, ăn khớp với câu tụng “Trời phái người này dẹp sát cơ” ở Tượng trước.

Trong bức họa là một người nâng đỡ chiếc cây đang khuynh đảo, rễ cây đã lộ ra ngoài. “Khuynh” (倾) [qīng] {nghiêng ngả} với “Thanh” (清) [qīng] {triều Thanh} là đồng âm. “Quả lựu” trên cây ám chỉ triều Thanh 16 năm sau (năm 1911) thì diệt vong, “thạch lựu” (石榴) [shí·liu], nghĩa là quả lựu, phát âm giống “thập lục” (十六) [shí·liù], nghĩa là 16.

(còn tiếp…)

Dịch từ:

http://www.epochtimes.com/gb/11/2/15/n3171090.htm



Ngày đăng: 27-05-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.