Đạo gia tu luyện cố sự: Mã Ngọc và Tôn Bất Nhị

Tác giả: Mạc Cầu

[ChanhKien.org] Cao nhân Đạo gia Vương Trùng Dương có bảy vị đệ tử trứ danh, người ta gọi chung là “Toàn Chân Thất Tử”. Mã Ngọc và Tôn Bất Nhị trong Toàn Chân Thất Tử trước khi xuất gia từng là vợ chồng. Hôm nay chúng ta sẽ kể về cố sự hai người họ.

Mã Ngọc nguyên danh là Mã Tùng Nghĩa, tự Nghi Phủ, trước khi xuất gia là một người nhà giàu trong vùng, gia tài lên tới vạn quan tiền, hiệu xưng là “Mã Bán Châu”. Sau khi bái Vương Trùng Dương làm sư, ông cải danh thành Mã Ngọc, tự Huyền Bảo, đạo hiệu Đơn Dương Tử, bởi vậy cũng được gọi là Mã Đơn Dương, hoặc Đơn Dương Chân Nhân. Vợ ông tên gọi là Tôn Phú Xuân, sau khi bái Vương Trùng Dương làm sư cải danh thành Tôn Bất Nhị, đạo hiệu Thanh Tĩnh Tản Nhân, người đời gọi là “Tôn Tiên Cô”. Mã Ngọc và Tôn Bất Nhị, trước khi đắc Đạo Pháp chính là hai người đại thiện trong vùng; hai người trọng nghĩa khinh tài, ưa làm việc thiện, gặp người vay tiền mà không trả được thì vô tư đốt biên lai đi.

Một ngày, Mã Ngọc tìm thuật sĩ Tôn Tử Nguyên tới toán quái, vừa bói được thì kết quả là “thọ không quá 49 tuổi”. Mã Ngọc liền cảm thán: “Sinh tử quả không do người vậy!”, lại bày tỏ tâm nguyện cầu người có Đạo, học tập phép tu luyện.

Năm Đại Định thứ 7 Kim Thế Tông (1167 SCN), Mã Ngọc cuối cùng gặp được Vương Trùng Dương, bái ông làm sư, muốn xây một am tu Đạo để Vương Trùng Dương ở. Trước đây, từng có hai chú hạc lạc vào vườn rau nhà Mã Ngọc. Vương Trùng Dương lập tức chọn chỗ hạc lạc vào để xây am, khiến Mã Ngọc rất đỗi ngạc nhiên. Am vừa xây xong, Vương Trùng Dương đặt tên am là “Toàn Chân”, lại đem sách quý cất trong am.

Vương Trùng Dương sau khi ở tại nhà Mã Ngọc thì tìm trăm phương ngàn kế thuyết phục đôi vợ chồng bỏ nhà nhập Đạo. Một ngày, Vương Trùng Dương tặng Mã Ngọc một quả lê để ông ăn, ngụ ý rằng: “lê” tức là “ly”, tức là muốn khuyên Mã Ngọc ly hương, xuất gia tu Đạo, lại vẽ một chiếc đầu lâu kèm bài thơ để khuyên đôi vợ chồng tùy cơ tu Đạo, thơ rằng:

Cười ngạo nhân sinh chốn ưu sầu,
Hôm nay ta vẽ chiếc đầu lâu.
Sinh tiền chỉ tạo thêm oan nghiệp,
Cứ mãi như thế thời nào hưu.

Sau khi Vương Trùng Dương liên tục điểm hóa, Mã Ngọc và Tôn Bất Nhị cuối cùng lần lượt xuất gia tu Đạo. Hai người chấm dứt quan hệ vợ chồng mà gọi nhau là đạo hữu. Khi xuất gia, Mã Ngọc còn viết một bài thơ gọi là “Từ gia”:

Sống mãi trong mê giống thế nhân,
Khổ lại thêm khổ càng nhọc thân.
Tình cờ đắc ngộ thông huyền diệu,
Há còn ở nhà đắm Phú Xuân.

Phú Xuân trong bài thơ là tục danh trước khi xuất gia của Tôn Bất Nhị.

Sau khi xuất gia, một ngày Mã Ngọc bỗng đau đầu đến mức “không thể chịu nổi, như có búa bổ”. Hôm ấy Vương Trùng Dương cũng đột nhiên nói với một đệ tử: “Mã Ngọc hoại đạo quy rồi”. Đệ tử ấy hỏi làm sao biết được? Vương Trùng Dương đáp: “Đêm qua ta mơ thấy ông ta uống rượu rồi”. Vương Trùng Dương phái đệ tử đi thẩm tra, mới biết quả nhiên Mã Ngọc đã uống rượu.

Khi bệnh đau đầu của Mã Ngọc càng ngày càng nghiêm trọng, bỗng có người đến báo: “Mã Ngọc đau đầu sắp chết đến nơi rồi”. Vương Trùng Dương nghe xong đáp: “Ông ta là vì tín Đạo bất thành, nên mới mắc bệnh này”. Sau đó Vương Trùng Dương ban nước cho Mã Ngọc, Mã Ngọc uống xong bệnh khỏi ngay tức khắc. Vương Trùng Dương nhắc nhở Mã Ngọc: “Người tu Đạo, trước tu đoạn tửu sắc tài vận, sau tu đoạn ái niệm, ưu sầu tư lự. Từ nay không nói nữa, nếu vẫn không nghe, tiết ra linh đan, tính mệnh không còn”.

Mã Ngọc trải qua việc này mới nhận thức được tính nghiêm túc của tu luyện, từ đó chân thực tu luyện, gặp việc gì cũng vứt bỏ được. Dẫu có thanh sắc cảnh vật xung quanh đẹp thế nào cũng như nhìn mà không thấy, có tai cũng không nghe, xả tận vọng niệm, đến ngay cả thân thể cũng vứt bỏ, cuối cùng thành chính quả.

Nghe nói sau khi xuất gia, Mã Ngọc chỉ dùng thời gian 3 năm là đã đắc Đạo, là người tu luyện đắc Đạo nhanh nhất trong Toàn Chân Thất Tử. Theo cách nói của sư đệ Khưu Xứ Cơ, thì Mã Ngọc sở dĩ thành Đạo mau chóng, là vì sinh mệnh ông trong lịch sử đã đặt định cơ sở rất tốt cho tu luyện đời này, do đó một khi sư phụ chỉ điểm, thì tốc độ đắc Đạo rất mau. Trước khi rời thế gian, Vương Trùng Dương đơn truyền 5 bài bí quyết Toàn Chân cho Mã Ngọc, lại gửi gắm trọng trách truyền bá Đạo Pháp cho ông. Từ đó Mã Ngọc trở thành đại tôn sư thứ hai của Toàn Chân.

Sau khi đắc Đạo Pháp, Tôn Bất Nhị vẫn lưu lại nơi đó tiếp tục truyền Đạo tu luyện. Sau đó bà tới động Phượng Tiên Cô ở Lạc Dương tu Đạo. Ngày 29 tháng 12 năm Đại Định thứ 12 triều Kim (1182 SCN), Tôn Bất Nhị triệu tập chúng đệ tử, nói với họ mình phải đi dự hội cung Diêu Trì, dặn dò xong rồi nói: “Sư tôn có ước hẹn, tất cả đến dự Diêu Trì, thời hạn đã tới!” Nói rồi tắm gội thay áo, sau lại hỏi tả hữu: “Sắc trời sớm hay tối?” Đệ tử đáp: “Giờ Ngọ rồi ạ”. Tôn Bất Nhị nói: “Ta phải đi đây, các ngươi tu luyện cho tốt nhé”. Nói xong ngồi tọa ngay ngắn, không bệnh mà chết, năm ấy 64 tuổi. Tôn Bất Nhị tọa hóa rồi mà sắc mặt vẫn như sống, hương gió lành thổi cả ngày không tản.

Vào ngày Tôn Bất Nhị tọa hóa, Mã Ngọc đang tại Ninh Hải, Sơn Đông thì đột nhiên nghe tiếng tiên nhạc vang trên không trung; ông ngẩng đầu xem, chỉ thấy Tôn Bất Nhị cưỡi mây tía tới, cười nói: “Ta về Bồng Đảo trước nhé”. Nói xong lại cưỡi mây tía bay đi. Mã Ngọc lập tức phất tà áo múa bài “Túy tiên lệnh”. Chúng đệ tử không rõ cớ chi, kinh ngạc đứng một bên xem ông vừa ca vừa múa. Mã Ngọc múa xong, đệ tử mới hỏi: “Hôm nay sư phụ thế nào vậy?” Ông hoa chân múa tay nói với chúng đệ tử: “Hôm nay có việc mừng phi thường!”

Một ngày tháng Giêng năm Đại Định thứ 13 triều Kim (1183 SCN), có người bẩm báo Tôn Bất Nhị đã ly thế quy thiên tại Lạc Dương. Mã Ngọc nói: “Sở dĩ hôm ấy ta ca vũ, là vì ta đã tận mắt nhìn thấy bà ấy cưỡi mây tía tới, rồi bay về biển Đông trong tiếng tiên nhạc”. Ngày Hạ Nguyên năm ấy (ngày 15 tháng 10), Mã Ngọc đột nhiên nghe thấy từ không trung có tiếng báo: “Trùng Dương Chân Nhân tới”. Khi ấy các đệ tử Diêu Huyễn, Linh Ngọc đứng bên cạnh cũng nghe ấy thanh âm đó. Không lâu sau, Vương Trùng Dương đầu quấn khăn xanh, thân mặc bào trắng, cưỡi trên Bạch Quy Bích Liên hiện ra trên không trung; rùa thần vừa rung đuôi xong, trong khoảnh khắc đã biến mất về Đông Nam. Khi ấy ni cô Huyền Linh cũng tận mắt trông thấy, bách tính nhìn thấy cũng hoan hô quỳ bái, có người còn quỳ lạy vũng bùn dưới đất.

Tháng 12, ngày Vương Trùng Dương sinh nhật, Mã Ngọc du Tiên Quan tế điện tại Lai Dương, nhiều lần ngóng lên không trung, không lâu sau quả nhiên thấy Vương Trùng Dương và Tôn Bất Nhị cưỡi mây lành phiêu phiêu bay tới. Mã Ngọc nói: “Đường đường trở lại, làm một hoạt tiên khoái lạc”. Sau đó ông gọi đệ tử Lưu Chân lại nói: “Các ngươi mong được thành tiên đắc Đạo, phải nhớ tích công tu hành, dẫu có gặp nghìn ma vạn nạn, cũng chớ có thoái lui, sau này sẽ tự nhiên minh bạch lời ta”. Mã Ngọc nói xong nằm hướng về phía Đông, cười nói cho tới canh hai ban đêm, bỗng nhiên mưa gió nổi lên, lại nghe thấy sấm nổ một tiếng, Mã Ngọc quy tiên, thọ 61 tuổi.

Sau khi Mã Ngọc từ thế, triều Kim từng có một dạo cấm Toàn Chân giáo phát triển, cấm dân gian xây am, cấm đạo sĩ vân du, bắt các đạo nhân trở về quê, khiến các đệ tử Toàn Chân kiên định tu Đạo gặp không ít ma nạn. Lúc này họ đều nhớ lời dặn dò của Mã Ngọc, quyết không lùi bước, kiên định tu Đạo. Sau đó cuối cùng mây khói tan hết, triều Kim lại một lần nữa cho phép Toàn Chân giáo truyền bá.

Năm Chí Nguyên thứ 6 (1269 SCN), Nguyên Thế Tổ phong Mã Ngọc là “Đơn Dương Bão Nhất Vô Vi Chân Nhân”, lại phong Tôn Bất Nhị là “Thanh Tịnh Uyên Chân Thuận Đức Chân Nhân”.

Mã Ngọc một đời không chỉ lưu lại cố sự tu luyện của bản thân, mà còn lưu lại rất nhiều thơ từ liên quan đến tu luyện. Ở đây chỉ xin giới thiệu hai bài:

Ngư gia ngạo tặng chúng sư huynh

“Xin khuyên đồng lưu nghe cho kỹ. Đoạn dứt giới rượu thật dễ dàng. Không luyến của cải ấy chuyện nhỏ. Điều khó là. Dính mắc dẫu nhẹ vô minh khởi. Đại để sắc tâm khó vứt bỏ. Muốn dứt hay không là do mình. Chúng như kẻ thù như quỷ sống. Cần tránh xa. Ngay trong giấc mộng cũng phải tránh.”

Mãn đình phương khuyến đạo hữu

“Liên thê ái thiếp, ưu nhi sầu nữ. Nhất tâm vì sự nghiệp danh lợi, há ngừng lại đó. Như ong hút nhụy thành mật, nói là ngọt nhưng cực nhọc. Đâu cũng là mê, như con thiêu thân, tới khi đắp mộ. Hỡi cha, ông, con, vào lúc bi thảm, liệu ai thương xót. Ai ai cũng đều tham ái, tham hưởng phú quý. Chết rồi không ai hưởng thay, hãy mau quay đầu tỉnh ngộ. Ở ngoài vật, vô vi thanh tĩnh mới là đường tiên.”

Ngoài ra dân gian còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về Mã Ngọc, ví như hí kịch triều Nguyên có hai vở liên quan đến Mã Ngọc. Trong đó một vở gọi là “Mã Đơn Dương tam độ Nhậm Phong Tử”, chính là nói về cố sự Mã Đơn Dương, hay Mã Ngọc độ hóa người đồ tể. Toàn vở kịch tổng cộng 4 màn.

Nội dung kịch: Chân Nhân Mã Ngọc vận dụng thần thông quan sát, biết được trấn Cam Hà, núi Chung Nam có một người đồ tể họ Nhậm, hiệu Phong Tử, có duyên tiên, nên mới tới trấn điểm hóa ông. Sau khi Mã Ngọc tới trấn Cam Hà truyền Đạo khuyến thiện, người toàn trấn tin Đạo đoạn huân [không ăn thịt], đồ tể Nhậm Phong Tử không bán được nữa. Bởi vậy Nhậm Phong Tử và các đồ tể âm mưu giết chết Mã Ngọc. Nhậm Phong Tử cầm dao tới lều cỏ, định giết Mã Ngọc nhưng bị Thần hộ pháp chặt mất đầu. Ông đòi lại đầu từ Mã Ngọc, Mã Ngọc để ông tự mò mẫm, chẳng ngờ đầu vẫn trên thân; Nhậm Phong Tử đột nhiên ngộ ra, tự nguyện theo Mã Ngọc xuất gia. Mã Ngọc lệnh ông gánh nước tưới rau, tụng kinh tu Đạo; vợ ông dẫn con tới am khuyên ông hoàn tục, ông nhất định không nghe. Sau đó Nhậm Phong Tử nhiều lần được Mã Ngọc chỉ điểm, từ bỏ chấp trước vào tửu sắc tiền tài, cuối cùng thành chính quả.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2009/8/4/60912.html