Một vài phân tích «Thôi Bối Đồ» (VIII): Chiến tranh Giáp Ngọ

Tác giả: Lưu Thiên Hồng

[Chanhkien.org]

Lời ban biên tập: Có rất nhiều dự ngôn nổi tiếng đã được lưu truyền qua hàng ngàn năm, dự đoán phi thường chuẩn xác, thế nhưng vẫn khiến con người cảm thấy thật thần bí. Dự ngôn đã trở thành đề tài được nghiên cứu trong suốt lịch sử nhân văn, thế nhưng chúng cũng đề xuất một vấn đề khoa học: Liệu có khả năng dự đoán tương lai? Tại chuyên mục này, chúng tôi và quý độc giả cùng nhau dần dần khám phá các dự ngôn này.

Trong số các dự ngôn của Trung Quốc, «Thôi Bối Đồ» có thể nói là “nhà nhà đều biết”. Đây là cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán triều đại nhà Đường (năm 627-649 SCN). Cuốn sách tổng cộng có 60 hình vẽ (đồ tượng), mỗi đồ tượng ở bên dưới lại có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ, dự ngôn từ triều Đường cho tới nay, tới tận tương lai, về các đại sự phát sinh tại Trung Quốc qua các triều đại.

Tượng 55 Mậu Ngọ

Tượng 55 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Cụ tắc sinh giới
Vô viễn vật giới
Thủy biên hữu nữ
Đối nhật tự bái

Tụng viết:

Ký du thần khí chung vô dụng
Dực dực tiểu tâm hữu thần chúng
Chuyển nguy vi an kiến tiết nghĩa
Vị tất hà sơn tự ngã tống

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Sợ thì sinh giới
Không xa chớ tới
Ven nước có nữ
Hướng nhật tự bái

Tụng rằng:

Muốn thu thần khí thật uổng công
Cẩn thận chú ý bề tôi đông
Chuyển nguy thành an thấy tiết nghĩa
Non sông không hẳn tự mình tống

Tượng 55 chính là miêu tả chiến tranh Giáp Ngọ Trung-Nhật trong lịch sử.

Vào những năm Quang Tự, triều đình nhà Thanh mưu tính xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh, bằng cách mua sắm chiến hạm sản xuất tại Tây phương. Tổng đốc Trực Lệ kiêm Bắc Dương đại thần Lý Hồng Chương phụng chỉ thành lập hải quân Bắc Dương. Năm 1888, hạm đội Bắc Dương chính thức được thành lập, Đinh Nhữ Xương nhậm chức đề đốc. Tháng 5 năm 1894, Nhật Bản xuất quân sang Triều Tiên. Tháng 7, quân Nhật bất ngờ đánh úp thủy quân Bắc Dương tại cửa khẩu Nha Sơn, bên ngoài Phong Đảo, đồng thời tấn công quân phòng thủ Trung Quốc ở gần Nha Sơn. Chính phủ nhà Thanh bị bức bách phải ra chiếu thư tuyên chiến với Nhật vào ngày mùng 1 tháng 8.

“Sợ tắc sinh giới”: ý nói Lý Hồng Chương, Đinh Nhữ Xương, v.v. sợ thực lực hạm đội Bắc Dương không địch nổi hạm đội quân Nhật, do đó áp dụng chiến lược bảo thủ.

“Vô viễn vật giới” – “Không xa chớ tới”: “viễn” là nói hạm đội Bắc Dương đều ở nơi xa, “Không xa chớ tới” là chỉ hạm đội Bắc Dương cuối cùng bị tiêu diệt hoàn toàn.

“Thủy biên hữu nữ” – “Ven nước có nữ”: bộ Thủy (氵) đặt bên cạnh chữ “Nữ” (女) chính là chữ “Nhữ” (汝). “Đối nhật tự bái”: hướng về chữ “Nhật” (日) mà tự bái, chính là chữ “Xương” (昌). Câu này ám chỉ vai chính trong chiến tranh Giáp-Ngọ giữa Trung Quốc và Nhật Bản là Đinh Nhữ Xương.

“Muốn thu thần khí thật uổng công”: “thần khí” chỉ khí thế của hạm đội Bắc Dương. Câu này ý nói triều đình nhà Thanh mưu đồ thành lập một hải quân hùng mạnh để đối phó với quân Nhật nhưng rốt cuộc không thành công, toàn quân bị tiêu diệt, cuối cùng uổng công.

“Cẩn thận chú ý bề tôi đông”: ý nói Lý Hồng Chương, Đinh Nhữ Xương, v.v. đặt ra chiến lược vô cùng cẩn thận và bảo thủ.

“Chuyển nguy thành an thấy tiết nghĩa, Non sông không hẳn tự mình tống”: ý nói Đinh Nhữ Xương tại hải chiến Hoàng Hải, Uy Hải, Vệ Hải ban đầu lâm nguy nhưng không sợ, chuyển nguy thành an, mang theo tiết nghĩa liều mình báo quốc. Đồng thời cũng chỉ rõ hạm đội Bắc Dương bị tiêu diệt có thể chỉ là do sơ xuất trong chế định và chiến lược của Đinh Nhữ Xương mà thôi.

Trong đồ hình là một người đang đỡ cành cây bị nghiêng đổ, ám chỉ Đinh Nhữ Xương nâng đỡ triều đình Mãn Thanh, cũng ngụ ý rằng mặc dù Đinh Nhữ Xương liều mình báo quốc nhưng sự diệt vong của triều Thanh là điều mà sức người không sao cải biến được.

Lịch sử là có quy luật

Dự ngôn tự bản thân nó không có gì là thần bí cả. Khi hiểu rõ quy luật biến đổi của thời tiết, chúng ta có thể dự báo thời tiết; như vậy khi nắm vững quy luật diễn hóa của một phạm vi vũ trụ nhất định, thì có thể tiên tri. «Chu Dịch» thời cổ đại rất hay, thiên văn học thời cổ đại cũng rất phát triển, đều là nghiên cứu quan hệ giữa người và Trời. Văn hóa Trung Quốc cổ đại là “Thiên nhân hợp nhất”, đương nhiên có quan hệ đối ứng giữa người và Trời. Chiêm tinh học ở Tây phương cũng tương tự như vậy, chỉ là không thể hiện tinh tế và sâu sắc như văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên nếu dùng tập quán và phương thức tư duy ngày nay để nghiên cứu những điều này thì rất khó khăn. Kinh lạc trong Trung Y là một ví dụ điển hình. Chúng ta ngày nay không thể tách khỏi phạm trù lý luận vật chất, trong đó có một bộ phận là suy đoán, do đó không thể khiến người ta hoàn toàn tin tưởng, cũng không biết bằng cách nào mà cổ nhân nhận thức được những điều này.

Nói về giải thích «Thôi Bối Đồ», tới đây tác giả xin dừng bút. Ở loạt bài này, chúng ta đã lấy một bộ phận trong «Thôi Bối Đồ» làm ví dụ để phân tích, trong dự ngôn này còn có rất nhiều điều có ý nghĩa nữa, chúng ta sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm.

(Hết)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/12/21/19561.html