Một vài phân tích «Thôi Bối Đồ» (VII): Dân Quốc



Tác giả: Lưu Thiên Hồng

[Chanhkien.org]

Lời ban biên tập: Có rất nhiều dự ngôn nổi tiếng đã được lưu truyền qua hàng ngàn năm, dự đoán phi thường chuẩn xác, thế nhưng vẫn khiến con người cảm thấy thật thần bí. Dự ngôn đã trở thành đề tài được nghiên cứu trong suốt lịch sử nhân văn, thế nhưng chúng cũng đề xuất một vấn đề khoa học: Liệu có khả năng dự đoán tương lai? Tại chuyên mục này, chúng tôi và quý độc giả cùng nhau dần dần khám phá các dự ngôn này.

Trong số các dự ngôn của Trung Quốc, «Thôi Bối Đồ» có thể nói là “nhà nhà đều biết”. Đây là cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán triều đại nhà Đường (năm 627-649 SCN). Cuốn sách tổng cộng có 60 hình vẽ (đồ tượng), mỗi đồ tượng ở bên dưới lại có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ, dự ngôn từ triều Đường cho tới nay, tới tận tương lai, về các đại sự phát sinh tại Trung Quốc qua các triều đại.

Những sự việc sau triều Thanh

Người ta nói rằng bởi vì «Thôi Bối Đồ» dự đoán quá chính xác những sự kiện trong lịch sử nên sau này đã có người cố tình đả loạn thứ tự các Tượng. Tuy nhiên dựa vào văn tự, Tượng 35 là nói về chiến tranh nha phiến lần thứ 2 và liên quân Anh-Pháp xâm nhập Bắc Kinh, Vua Hàm Phong phải bỏ kinh đô chạy nạn. Tượng 36 miêu tả chính biến Tân Dậu và sau đó Lưỡng cung Thái Hậu buông rèm chấp chính. Tượng 37 là lúc triều Thanh kết thúc.

Tượng 37 Canh Tý

Tượng 37 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Hán Thủy mang mang
Bất thống kế thống
Nam Bắc bất phân
Hòa trung dữ cộng

Tụng viết:

Thủy thanh chung hữu kiệt
Đảo qua phùng bát nguyệt
Hải nội cánh vô Vương
Bán hung hoàn bán cát

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Hán Thủy mênh mông
Không thống rồi thống
Nam Bắc không phân
Đồng tâm hiệp lực

Tụng rằng:

Nước trong rồi hết tận
Trở giáo gặp tháng tám
Bốn bể hết không Vương
Nửa hung lại nửa cát

Ngày 10 tháng 10 năm 1911 (tháng 8 năm Tuyên Thống thứ 3), khởi nghĩa Vũ Xương bùng phát, bắt đầu cách mạng Tân Hợi lật đổ Vương triều thống trị của nhà Thanh. Ngày 12 tháng 2 năm 1912, Hoàng đế Tuyên Thống của nhà Thanh bị bức bách thoái vị, triều Thanh diệt vong. Từ đó Trung Nguyên rơi vào thời kỳ cát cứ hỗn chiến của quân phiệt.

“Hán Thủy mang mang, Bất thống kế thống”: “Hán Thủy” chỉ Vũ Xương. Câu này ý nói sau khởi nghĩa Vũ Xương, cục diện quân phiệt cát cứ hình thành, lật đổ Tuyên Thống — Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh.

“Nam Bắc bất phân, Hòa trung dữ cộng”: ý nói toàn quốc trên dưới đều cùng nhau di tản đầy gian nan.

“Thủy thanh chung hữu kiệt, Đảo qua phùng bát nguyệt”: “Đảo qua” có nghĩa là trở giáo, quay súng bắn quân mình, ý nói khởi nghĩa Vũ Xương là tân quân số 8 của triều Thanh ở Hồ Bắc trở mặt theo quân đảng cách mạng. Câu này ám chỉ khởi nghĩa Vũ Xương diệt triều Thanh phát sinh vào tháng 8 năm Tuyên Thống thứ 3.

“Hải nội cánh vô Vương, Bán hung hoàn bán cát”: “Bán hung hoàn bán cát”, nửa chữ “hung” (凶) và nửa chữ “cát” (吉) hợp lại thành một chữ Viên (袁), ám chỉ Viên Thế Khải. Câu này ý nói sau khi triều Thanh diệt vong, quân phiệt cát cứ, không có vương soái, ở tình huống này Viên Thế Khải nhân cơ hội đoạt quyền soán vị.

Trong đồ hình có một chiếc đầu người hình tròn (viên) nổi trên mặt nước, ám chỉ sau khởi nghĩa Vũ Xương dẫn đến triều Thanh diệt vong thì một thủ lĩnh họ Viên sẽ xuất hiện.

Đến Tượng 39, thì đã là Nhật Bản xâm lược Trung Hoa. Tuy nhiên Tượng 55 lại nói rõ ràng về chiến tranh Giáp Ngọ thời Thanh mạt. Điều này không khỏi khiến người ta suy xét rằng thứ tự đúng của các Tượng đã bị đả loạn. Thực ra dự ngôn không tuân theo trình tự sắp xếp thời gian cũng là điều rất bình thường, dự ngôn nổi tiếng phương Tây «Các Thế Kỷ» của Nostradamus là một ví dụ điển hình. Điều này là trái ngược với đại đa số các dự ngôn của Trung Quốc, vốn đều tuân theo trình tự. «Thôi Bối Đồ» sở dĩ bị đả loạn, khả năng là vì có người cầm quyền sợ dự ngôn lưu truyền rộng rãi nên cố tình làm vậy, khiến người ta khó nhìn ra. Tuy nhiên các dự ngôn như «Mai Hoa Thi», «Thiền Sư Thi», v.v. lại rất trình tự, mặc dù không nói cụ thể như «Thôi Bối Đồ». Mặc dù vậy chúng lại giúp người ta rất nhiều trong việc liễu giải những sự tình có khả năng phát sinh trong tương lai.

Tượng 39 Nhâm Dần

Tượng 39 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Điểu vô túc
Sơn hữu nguyệt
Húc sơ thăng
Nhân đô khốc

Tụng viết:

Thập nhị nguyệt trung khí bất hòa
Nam sơn hữu tước Bắc sơn la
Nhất triều thính đắc Kim Kê khiếu
Đại hải trầm trầm Nhật dĩ quá

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Chim không chân
Núi có trăng
Nắng mới lên
Người đều khóc

Tụng rằng:

Giữa mười hai tháng khí bất hòa
Núi Nam có tước núi Bắc la
Mai kia nghe tiếng gà vàng gáy
Biển cả thâm trầm Nhật đã qua

“Chim không chân, Núi có trăng”: chữ “Điểu” (鸟) bỏ đi một chân có dạng chữ “Nguyệt” (月), đặt lên chữ “Sơn” (山) thành một chữ “Đảo” (岛) (hòn đảo). “Nắng mới lên, Người đều khóc”: ý nói đế quốc trên hòn đảo Nhật Bản trỗi dậy, đi đâu cũng mang theo cờ Thái Dương, khiến hàng vạn người khóc lóc. “Giữa mười hai tháng khí bất hòa”: “Giữa mười hai tháng” ám chỉ khoảng giữa của 12 tháng, tức tháng 6. Câu này ý nói tại tháng 6 Âm lịch sẽ phát sinh sự kiện cầu Lư Câu (ngày 7-7-1937, quân Nhật bất ngờ tấn công vào phía tây nam cầu Lư Câu, Bắc Bình của Trung Quốc, nay là Bắc Kinh, cuộc kháng chiến chống Nhật của người Trung Quốc bắt đầu từ đây). “Núi Nam có tước núi Bắc la”: “la” ở đây là chỉ lưới bắt chim “tước”. Câu này ý nói sau biến cố Lư Câu, quân Nhật ép vào hai bên từ phía Bắc và phía Nam, thế như chẻ tre, giống như lưới bắt chim tước bao trùm lãnh thổ Trung Quốc, sát hại người dân Trung Quốc. “Mai kia nghe tiếng gà vàng gáy, Biển cả thâm trầm Nhật đã qua”: gà vàng (Kim Kê) là chỉ năm Dậu thuộc Kim theo Ngũ Hành. Năm 1945 là năm Dậu, chính là năm “con gà vàng”. Câu này ý nói năm 1945, Nhật Bản chiến bại đầu hàng (“Nhật đã qua”). Chữ “Nhật” ở đây vừa có ý là nước Nhật, vừa có ý là Mặt trời (Thái Dương).

Trong đồ hình là cảnh tượng ánh nắng ban mai, cũng rất tương tự với cờ Thái Dương của quân Nhật trong Đại Thế chiến II, ám chỉ Nhật Bản trỗi dậy. Ngoài ra trong đồ hình còn có một con chim đậu trên ngọn núi, đối ứng với hai câu sấm “Chim không chân, Núi có trăng”, ám chỉ chữ “Đảo”, Nhật Bản là đảo quốc.

(Còn tiếp)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/12/19/19560.html



Ngày đăng: 12-04-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.