Một vài phân tích «Thôi Bối Đồ» (IV): Triều Nguyên



Tác giả: Lưu Thiên Hồng

[Chanhkien.org]

Lời ban biên tập: Có rất nhiều dự ngôn nổi tiếng đã được lưu truyền qua hàng ngàn năm, dự đoán phi thường chuẩn xác, thế nhưng vẫn khiến con người cảm thấy thật thần bí. Dự ngôn đã trở thành đề tài được nghiên cứu trong suốt lịch sử nhân văn, thế nhưng chúng cũng đề xuất một vấn đề khoa học: Liệu có khả năng dự đoán tương lai? Tại chuyên mục này, chúng tôi và quý độc giả cùng nhau dần dần khám phá các dự ngôn này.

Trong số các dự ngôn của Trung Quốc, «Thôi Bối Đồ» có thể nói là “nhà nhà đều biết”. Đây là cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán triều đại nhà Đường (năm 627-649 SCN). Cuốn sách tổng cộng có 60 hình vẽ (đồ tượng), mỗi đồ tượng ở bên dưới lại có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ, dự ngôn từ triều Đường cho tới nay, tới tận tương lai, về các đại sự phát sinh tại Trung Quốc qua các triều đại.

Nam Tống: từ Tượng 21 đến Tượng 24; triều Nguyên: Tượng 25 và 26

Tượng 21 quẻ Tốn

Tượng 21 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Không quyết cung trung
Tuyết thâm tam xích
Hu ta nguyên *
Nam viên Bắc triệt

Tụng viết:

Yêu phân vị tịnh bất khang ninh
Bắc tảo phong yên vọng Đế kinh
Dị tính lập triều chung quốc vị
Bặc thế tam lục hựu Nam hành

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Không ngất trong cung
Tuyết sâu ba thước
Ôi chao nguyên *
Đánh xuôi thổi ngược

Tụng rằng:

Khí yêu chưa tịnh chẳng an khang
Bắc quét khói lửa ngóng Đế kinh
Khác họ lập triều xong quốc vị
Ước đời ba sáu lại về Nam

Tượng này dự ngôn những năm cuối thời Bắc Tống, nước Kim do tộc Nữ Chân kiến lập xâm phạm triều Tống, đến năm Tịnh Khang đầu tiên thì chiếm được phủ Khai Phong; Huy Tông, Khâm Tông bị bắt cóc về phương Bắc. Trong đồ hình là hai người mặc quan phục đứng quay lưng lại, đích thực là chỉ Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông, hai vị Hoàng đế bị bắt làm tù binh đưa về phương Bắc. “Khí yêu chưa Tịnh chẳng an Khang”, là chỉ sự tình phát sinh vào những năm “Tịnh Khang”. Nhà Kim lập Trương Bang Xương lên làm Vua, ấy chính là “Khác họ lập triều xong quốc vị” vậy. “Ước đời ba sáu lại về Nam”, là chỉ Bắc Tống tổng cộng có 9 (=3+6) vị Hoàng đế, sau đó phải dời về Nam. Tiếp đó là Nam Tống, định đô tại Lâm An (nay là Hàng Châu).

Tượng 25 Mậu Tý

Tượng 25 «Thôi Bối Đồ».

Sấm viết:

Bắc đế Nam thần
Nhất ngột tự lập
Ly ly hà thủy
Yến sào bổ *

Tụng viết:

Đỉnh túc tranh hùng sự bản kỳ
Nhất lang nhị thử phát tu du
Bắc quan tỏa thược tuy lao cố
Tử tử tôn tôn ngũ ngũ nghi

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Vua Bắc tôi Nam
Một Ngột tự lập
Xa xa nước sông
Yến sào bổ *

Tụng rằng:

Chân vạc tranh hùng sự vốn kỳ
Một sói hai chuột lìa một khi
Cổng Bắc chìa khóa tuy kiên cố
Con con cháu cháu năm năm nghi

Tượng 25 dự ngôn về Nguyên Thái Tổ khai quốc và toàn bộ khí số triều Nguyên. Trong đồ hình là một chiếc rìu sắt, cán có 10 đoạn, nội hàm là mười phần hàm súc; xin giải thích sơ qua như sau: đầu chiếc rìu là bằng sắt (thiết), cán chiếc rìu là bằng gỗ (mộc), ám chỉ Nguyên Thái Tổ tên gọi là Thiết Mộc Chân (Thành Cát Tư Hãn); cán rìu chia làm 10 đoạn, ý là triều Nguyên truyền được 10 vị Hoàng đế. Chỉ một đồ hình đơn giản mà đưa cả đại xu thế của một triều đại ra miêu tả toàn bộ. Tụng rằng: “Con con cháu cháu năm năm nghi”, “năm năm” chính là “mười” (10 đời). Ngoài ra sấm còn viết “Vua Bắc tôi Nam”, ấy là báo hiệu Nam Triều (người Hán) hướng về phương Bắc (người Hồ) mà thần phục. “Ly ly hà thủy” là chỉ Nguyên Thái Tổ xưng Đế tại Ly Hà.

*  *  *  *  *

Ghi chú của người dịch:

Chỗ có ký hiệu “*” là bản gốc bị mất chữ. Chân vạc: chỉ thế tam phân, chia ba. Bắc quan: cổng phía Bắc thành Lâm An, kinh đô Nam Tống, Trung Quốc. Tượng 25 nói về thế tam phân giữa Mông Cổ (sói), Kim và Nam Tống (hai chuột). Khi cổng Bắc thành Lâm An (Bắc quan) bị phá thì Nam Tống diệt vong.

(Còn tiếp)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/12/13/19557.html



Ngày đăng: 04-04-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.