Dịch giải tác phẩm Đường thi: “Xuân hiểu”



Tác giả: Lan Hoa

Một bức họa thời Nam Tống (1127 - 1279), Sơn trà và Sơn điểu, tranh lụa, 28,9 x 29 cm. (Hình ảnh thuộc phạm vi công cộng)

Trong suốt triều đại nhà Đường (thế kỷ 7 đến thế kỷ 9 SCN), thi ca là môn nghệ thuật đỉnh cao và vĩ đại nhất của Trung Quốc. Nếu như nhà hát đã từng mê hoặc những khán giả là thần dân dưới thời nữ hoàng Elizabeth đệ nhất, nếu những tập phim hài kịch tình huống đã làm người Mỹ thế kỷ 20 phải say mê, thì thi ca chính là để nói về người dân triều Đường Trung Quốc.

Sự nở rộ của thi ca trong giai đoạn này thực sự đáng kinh ngạc. Tuyển tập các tác phẩm Đường thi (biên soạn vào đầu thế kỷ 18 ở Trung Quốc) bao gồm hơn 50.000 tác phẩm của hơn 2.200 tác giả khác nhau. Từ nhà vua đến tể tướng, từ người hát rong đến nhà sư, ai ai cũng làm thơ. Có nhà thơ nữ, có nhà thơ say, lại có cả nhà thơ nhí. Người ta ngâm thơ ở trường, bạn hữu gặp nhau cũng làm thơ. Thi ca ngập tràn trong văn hóa và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các văn sĩ.

Với những ai còn lạ lẫm với thơ Đường, tôi hy vọng rằng bài thơ đầu tiên này cũng sẽ ý nghĩa với các bạn như đã từng với tôi khi tôi đọc nó lần đầu tiên. Được viết bởi Mạnh Hạo Nhiên hơn 1.200 năm trước, đây vẫn là một trong những bài thơ đầu tiên mà học sinh Trung Quốc ngày nay phải học khi bắt đầu học văn học. Dù đã đọc cả chục lần, tôi vẫn thấy bài thơ đẹp lạ thường. Nó nắm bắt được những đặc trưng cốt yếu của thơ Đường trong sự giản dị và cảm nhận tinh tế về tự nhiên.

Nguyên văn chữ Hán:

春曉

春眠不覺曉,
處處聞啼鳥。
夜來風雨聲,
花落知多少。

Phiên âm Hán Việt:

Xuân hiểu

Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu

Dịch nghĩa:

Buổi sớm mùa xuân

Giấc ngủ đêm xuân không biết trời sáng
Nơi nơi đều nghe thấy tiếng chim hót
Đêm qua trong gió mưa
Chẳng hay hoa rụng nhiều hay ít?

Dịch thơ:

Xuân hiểu

Giấc xuân không biết sáng
Nơi nơi chim hót vang
Đêm qua nghe gió mưa
Hoa rụng nhiều hay ít?

Mạnh Hạo Nhiên cũng như nhiều nhà thơ Đường khác thường nói với sự nhạy cảm rất gần với chính chúng ta – với sự tinh tế và tự cảm nhận, một nét hiện đại hòa tan trong khí chất cổ điển. Trong số những nét rất đặc trưng của thơ Đường, một điều tôi hy vọng truyền tải được trong bản dịch này, đó là hơi thở hiện đại thấm đẫm trong tiếng nói của thơ Đường.

(Theo The Epoch Times)



Ngày đăng: 19-02-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.