Chúng ta biết được bao nhiêu về luân hồi?

Tác giả: Chu Chính

[ChanhKien.org]

Luân hồi và nhân quả báo ứng là một bộ phận trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Khi còn nhỏ, tôi thường nghe người lớn kể về những điều này. Khi xuất hiện tai hoạ gì đó, thì họ thường nói rằng đó là do tổ tiên đời trước đã làm điều xấu gây ra nghiệp chướng, còn khi gặp chuyện tốt thì cũng nói đó là do tổ tiên đã làm điều tốt, tích được phúc đức. Trong các tác phẩm văn học cũng ghi chép lại không ít về phương diện này, từ “Hồng Lâu Mộng” đến “Tam Ngôn Nhị Phách” của Phùng Mộng Long.v.v… và nhiều tác phẩm khác. Nhưng vì sách giáo khoa ở trường đều giảng về thuyết vô thần, do vậy những vấn đề này cũng không được đề cập đến và cũng không được coi trọng. Tuy nhiên sau này khi trưởng thành, cùng với việc tầm nhìn của tôi được mở rộng, tôi mới phát hiện ra rằng hóa ra rất nhiều nhận thức của tôi là sai lầm, do vậy tôi bắt đầu suy nghĩ lại về sự luân hồi. Dưới đây là một vài ví dụ.

1. Trải qua hai đời tại tỉnh Hải Nam

Tạp chí “Phụ nữ phương Đông” số 7 năm 2002 đã đăng một bài viết, đưa tin về những trải nghiệm của Đường Giang Sơn – “kỳ nhân hai đời chuyển sinh”, câu chuyện kể về một người ở thị trấn Cảm Thành, thành phố Đông Phương, tỉnh Hải Nam. Theo lời kể của cha mẹ Đường Giang Sơn và những người lớn tuổi trong làng, khi Đường Giang Sơn được ba tuổi (năm 1979), đột nhiên một ngày nọ cậu bé nói với cha mẹ rằng: “Con không phải con của bố mẹ, kiếp trước con tên là Trần Minh Đạo, người bố đời trước của con tên là Tam Đa. Gia đình con ở Đan Châu, gần bờ biển (ở phía bắc đảo Hải Nam, cách thành phố Đông Phương hơn 160 km)”. Cậu bé còn nói rằng trải qua đấu tố trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa cậu đã bị người ta giết chết bằng dao và súng. Điều kỳ lạ hơn nữa là cậu bé có thể nói lưu loát bằng tiếng Đan Châu. (Lưu ý: Thành phố Đông Phương nói tiếng Mân, trong khi người dân Đan Châu nói tiếng Quân, một loại ngôn ngữ địa phương đặc biệt được hình thành từ các ngôn ngữ địa phương khác nhau). Trên thắt lưng của cậu bé vẫn còn dấu ấn vết dao từ kiếp trước.

Khi Đường Giang Sơn lên sáu tuổi, cha mẹ không thể cưỡng lại sự thúc giục liên tục của cậu bé, và dưới sự chỉ dẫn của cậu, họ đã bắt xe đến nơi ở kiếp trước của Đường Giang Sơn tại thôn Hoàng Ngọc, thị trấn Tân Anh, thành phố Đan Châu. Cậu bé sáu tuổi Đường Giang Sơn đã đi thẳng đến nhà ông Trần Tán Anh và gọi ông là “Tam Đa” theo ngôn ngữ địa phương Đan Châu. Và cậu nói rằng mình là con trai của ông tên là Trần Minh Đạo, sau khi chết cậu đã thác sinh ở thị trấn Cảm Thành, huyện Đông Phương, hiện tại cậu đến đây để tìm cha mẹ kiếp trước. Tiếp đó, cậu bé nhận ra hai chị gái, hai em gái của mình cũng như những người thân, bạn bè khác trong làng, điều đặc biệt thú vị là cậu bé còn có thể nhận ra bạn gái kiếp trước của mình. Do cậu bé Đường Giang Sơn mới có sáu tuổi lại có thể kể lại những câu chuyện và những hồi ức tiền kiếp, từ hoàn cảnh cho đến việc xác nhận được người thân của cậu bé, điều đó đã thuyết phục được những người thân và hàng xóm tin rằng Đường Giang Sơn chính là Trần Minh Đạo kiếp trước, ông Trần Tán Anh ôm lấy Đường Giang Sơn khóc nức nở và xác nhận cậu bé chính là con trai Trần Minh Đạo của mình tái sinh.

Kể từ đó, Đường Giang Sơn có hai gia đình và hai cha mẹ, hàng năm đi lại giữa Đông Phương và Đan Châu. Ông Trần Tán Anh và người thân, dân làng đều coi Đường Giang Sơn là Trần Minh Đạo. Vì ông Trần Tán Anh không có con trai nên Đường Giang Sơn đảm đương vai trò là con trai của ông và làm tròn lòng hiếu thảo cho đến khi ông Trần Tán Anh qua đời vào năm 1998.

Những nhân viên công tác tại Ban biên tập tạp chí ban đầu không tin sự việc này, nhưng sau nhiều lần điều tra và xác minh, họ không thể không thừa nhận tính xác thực của sự việc.

2. Một cậu bé người Anh nhớ lại kiếp trước

Luân hồi không chỉ được thảo luận trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, mà nhiều học giả phương Tây cũng nghiên cứu về luân hồi, chẳng hạn như “Những đứa trẻ nhớ về kiếp trước” của Lan Stevenson hoặc là “Tìm về quá khứ để nuôi dưỡng hiện tại” của Brian Weiss.v.v… đã thu thập được một số lượng lớn các ví dụ thực tế.

Ngày 8 tháng 9 năm 2006, tờ báo The Sun Online của Anh đưa tin về câu chuyện một cậu bé có thể nhớ được kiếp trước. Cậu bé sáu tuổi này tên là Cameron Macaulay, cậu bé không khác gì những cậu bé sáu tuổi khác, điểm khác biệt duy nhất là cậu luôn nói về mẹ và gia đình, và cậu thích vẽ những ngôi nhà, một căn nhà màu trắng tọa lạc trên bờ biển, tất cả đều không có vẻ gì liên quan tới cuộc sống hiện tại của cậu bé. Cậu bé cũng nói rằng từ trước tới giờ chưa từng đi tới những nơi đó, mà đó lại là hòn đảo Barra cách nơi họ đang sống hiện tại 160 dặm.

Theo lời kể của bà Norma, người mẹ hiện tại của Cameron McCauley thì từ khi mới biết nói Cameron đã kể những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt cùng với các bạn của mình trên đảo Barra. Cậu bé kể về cha mẹ mình ở kiếp trước, cha cậu bé đã qua đời như thế nào, và còn kể về các anh chị của cậu. Cậu bé cũng nói rằng người mẹ mà cậu nhắc đến chính là người mẹ trước đây của cậu. Cậu bé tin chắc rằng mình có kiếp trước, và Cameron rất lo lắng rằng gia đình ở kiếp trước đang rất nhớ mong cậu.

Khi cậu bắt đầu đi học mẫu giáo, giáo viên của cậu yêu cầu được gặp bà Norma và kể cho bà Norma nghe tất cả những gì Cameron đã nói về đảo Barra. Cậu bé nhớ anh trai và chị gái của mình từ kiếp trước. Cậu bé phàn nàn rằng ngôi nhà hiện tại của cậu chỉ có một phòng tắm, trong khi nhà cậu ở đảo Barra có ba phòng. Trước đó cậu bé khóc và muốn tìm người mẹ kiếp trước, cậu nói rằng bà nhớ cậu, và cậu muốn gia đình trên đảo Barra biết rằng giờ đây cậu vẫn ổn. Cameron vô cùng đau khổ thương tâm. Cậu bé không ngừng nói về đảo Barra, họ đã đi đâu, họ đã làm gì, cậu bé kể rằng từ cửa sổ phòng ngủ của mình cậu đã nhìn thấy những chiếc máy bay hạ cánh trên bãi biển như thế nào.

Đồng thời, Cameron không ngừng cầu xin bà Norma đưa cậu đến đảo Barra. Những điều này khiến bà Norma cuối cùng quyết định đưa cậu đến đảo Barra. Đồng hành cùng với họ có Tiến sĩ Jim Tucker, nhà tâm lý học đến từ Đại học Virginia Hoa Kỳ, ông là chuyên gia nghiên cứu về sự luân hồi tái sinh ở trẻ em.

Khi họ nói với Cameron rằng họ sẽ đưa cậu đến đảo Barra, cậu bé đã nhảy cẫng lên vì sung sướng. Gia đình Cameron đến đảo Barra vào tháng 2 năm 2006. Khi họ đi tới đảo Barra, máy bay đã thực sự hạ cánh xuống bãi cát ven biển biển, giống như Cameron đã mô tả. Đồng thời, nhân viên khách sạn cũng xác nhận có một gia đình tên là Robertson từng sống trong ngôi nhà màu trắng bên bờ biển. Tất cả những điều này bà Norma và những người khác không kể cho Cameron nghe, mà cùng nhau lái xe đến ngôi nhà mà họ được thông báo để xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Cameron nhận ra ngôi nhà ngay lập tức và vô cùng vui mừng. Nhưng khi họ đi tới cửa, vẻ phấn khích trên khuôn mặt Cameron biến mất, và cậu bé đột nhiên trở nên im lặng. Người chủ trước đã chết nhưng người giữ chìa khóa đã cho họ vào nhà. Có rất nhiều góc khuất vắng vẻ trong ngôi nhà và Cameron đều biết tất cả. Ngôi nhà quả nhiên đúng là có ba phòng tắm và từ cửa sổ phòng ngủ của cậu có thể nhìn ra biển.

Kể từ khi họ trở về nhà ở thành phố Glasgow, Cameron đã trở nên im lặng hơn rất nhiều. Bà Norma nói rằng sự việc đến Barra là điều tuyệt vời nhất họ từng làm. Chuyến đi này khiến Cameron cảm thấy dễ thư thái chịu hơn, và cậu bé không còn kể về đảo Barra một cách khao khát như vậy nữa. Giờ đây Cameron cũng hiểu rằng họ không còn nghĩ cậu đang bịa chuyện nữa. Họ đã nhận được đáp án mà họ đang tìm kiếm. Như vậy rõ ràng, đối với ký ức về tiền kiếp, thuận theo việc khi tuổi tác con người già đi thì cũng sẽ dần biến mất.

Trải nghiệm của Cameron đã được quay thành bộ phim tài liệu có tựa đề “This Boy Lived” (Bé trai đến từ kiếp trước) và được phát sóng Kênh truyền hình số 5 (Channel Five) của Anh.

3. Liên quan đến sự luân hồi của tổng thống Lincoln

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra một tình huống về sự tái sinh của Lincoln, vị tổng thống nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ.

Theo tin tức của tờ báo điện tử PRWeb ngày 1/2/2006, cách đây khoảng 50 năm, có một thầy Yoga tên là Paramahansa Yogananda đã từng chỉ ra rằng Lincoln (1809-1865) đã tái sinh thành phi công kiêm nhà văn nổi tiếng người Mỹ Lindbergh (Charles Lindbergh, 1902-1974). Trước đó không lâu, giáo sĩ và nhà văn Richard Salva đã xuất bản một cuốn sách mới có tên gọi là “Soul Journey from Lincoln to Lindbergh”(Tạm dịch: Hành trình của linh hồn từ Lincoln đến Lindbergh) là một cách tiến hành chứng thực đối với vấn đề này.

Cuốn sách đưa ra mấy trăm ví dụ về các tình huống cụ thể mô tả điểm tương đồng giữa Lincoln và Lindbergh từ tính cách, đặc điểm cho đến hoàn cảnh sinh hoạt. Trong đó bao gồm từ thể chất thân thể, tình cảm, tinh thần và các giao tiếp ứng xử đối với người và sự vật. Không chỉ có vậy, căn cứ vào thói quen ngôn ngữ và cuộc sống sinh hoạt của Lincoln, tác giả còn giải thích cuộc sống trước đây đã ảnh hưởng đến tính cách Lindbergh như thế nào. Những điều này giải thích một số điều mà các nhà sử học không hiểu rõ, chẳng hạn như tại sao vị phi hành gia lại phản đối mạnh mẽ sự can dự của Mỹ vào Thế chiến thứ hai.

Báo cáo cho biết 1/5 dân số ở Hoa Kỳ hiện nay tin vào sự tồn tại của luân hồi, nhưng rất ít người chú ý việc kiếp trước của một cá nhân sinh ra tác động ảnh hưởng như thế nào đối với họ. Cuốn sách này tiến hành so sánh giữa Lincoln và Lindbergh, đồng thời giải thích nghiệp lực (karma) từ kiếp trước của một người sinh ra ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ.

Ví dụ, Yogananda và Sova đều cho rằng Lincoln từng là một thầy Yoga. Mà Sowa cũng đã phân tích những tác động ảnh hưởng của Yoga đối với Lincoln, cho đến việc những trải nghiệm của Lincoln ảnh hưởng như thế nào đến Lindbergh sau này.

4. Phần kết

Có thể thấy, hiện tượng luân hồi tồn tại ở cả phương Đông và phương Tây, và từ quá khứ xa xưa cho đến hiện tại nó vẫn luôn luôn tồn tại. Một ví dụ khác, thời kỳ Nam Bắc triều Hoàng đế Lương Vũ của Nam triều là Tiêu Diễn đã trị vì 48 năm và thọ tới 86 tuổi, là vị hoàng đế có tuổi thọ đứng thứ hai trong lịch sử Trung Quốc kể từ thời Tần Thủy Hoàng, chỉ đứng sau Hoàng đế Càn Long của nhà Thanh. Theo ghi chép lịch sử, Lương Vũ Đế kiếp trước từng là một tăng nhân.

Sự tồn tại của luân hồi cũng phản ánh sự công bằng của thiên lý. Suy cho cùng đều là thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, do vậy chúng ta không thể không thận trọng trong việc đối nhân xử thế.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/40298