Tham luyến hồng trần hay đắc đạo thành Tiên?



Tác giả: Lý Kiếm

[ChanhKien.org]

Những năm Tùy Dạng Đế dựng nghiệp, có ba người là Bùi Kham, Vương Kính Bá, Lý Phương đã kết thành bằng hữu tu đạo và cùng nhau lên núi Bạch Lộc để học đạo. Kinh qua mười mấy năm tu luyện, nếm trải đủ mọi vất vả nhưng họ dường như không đạt được gì, sau đó Lý Phương đã chết, Vương Kính Bá nói với Bùi Kham rằng: “Chúng ta lâm vào cảnh tha hương, bỏ lại cuộc sống vinh hoa phú quý ở thế gian để tới đây tu đạo. Tại nơi rừng sâu núi thẳm này, không được nghe những âm thanh mỹ diệu, không được thưởng thức của ngon vật lạ, tránh xa hưởng lạc, cam tâm tình nguyện sống cuộc đời cô đơn thanh đạm và khổ cực như vậy, chỉ mong đắc đạo, thành Tiên. Thế nhưng cho đến hôm nay tiên cảnh mờ mịt không biết nơi đâu, nếu như chúng ta tiếp tục ở đây chịu đựng gian khổ thì cũng chỉ có thể chết tại núi này. Tôi dự định sẽ xuống núi tìm lại công danh lợi lộc và cuộc sống vinh hoa. Hà tất phải chết uổng phí tại nơi núi non hoang vắng này!”

Bùi Kham nói rằng: “Tôi đã sớm nhìn thấu vinh hoa phú quý ở nhân gian chỉ như mây tan khói tản. Một người đã thức tỉnh khỏi mộng ảo làm sao lại có thể quay trở lại mộng ảo làm chi?” Vương Kính Bá mặc cho Bùi Kham níu giữ như thế nào cũng không nghe, một mình nhất quyết xuống núi. Khi ấy là những năm đầu Trinh Quán, triều đại của Hoàng đế Đường Thái Tông. Xuống núi, Vương Kính Bá không chỉ được hồi phục lại chức quan ban đầu, không lâu sau được bổ nhiệm làm Tả Vũ Vệ (một chức quan nhỏ) tham gia quân đội, lại được một vị Đại tướng quân họ Triệu gả con gái cho. Mấy năm sau ông lại được thăng chức Đình Uý của Đại Lý Tự, được mặc hồng bào rất oai phong lẫm liệt.

Có một lần ông được phụng mệnh đi làm sứ thần ở Hoài Nam, ngồi trên thuyền đi tới Cao Bưu, khi ấy đoàn thuyền của ông được trang bị những nghi lễ uy phong rất trang nghiêm, thuyền bè của người dân trên sông đều phải nhường đường không dám qua. Đột nhiên có một chiếc thuyền ngư nhỏ xuất hiện phía trước đoàn thuyền, Vương Kính Bá trong lòng cảm thấy không vui. Ông quan sát kỹ, thì ra ngư phu kia chính là Bùi Kham người đã cùng ông tu đạo trên núi năm xưa. Thế là ông vội vàng cho thuyền đuổi theo, và mời Bùi Kham lên thuyền lớn.

Vương Kính Bá nắm tay Bùi Kham nói: “Lão huynh năm ấy một lòng tu đạo, nếu như hôm nay huynh đã đạt được ước nguyện rồi thì sao đây, bất quá vẫn chỉ là một ngư phu trên sông! Do vậy tôi thấy việc tu đạo giống như đuổi hình bắt bóng. Đời người gian khổ và ngắn ngủi cho nên cần nắm chắc cơ hội hưởng lạc, việc gì phải uổng phí ngày tháng như vậy? Tôi hiện tại tuy rằng chưa được tính là đạt tới đỉnh cao nhưng so với một ông lão trên núi thì vượt trội hơn rất nhiều có phải không ? Huynh vẫn còn giống như trước đây cam tâm chôn vùi bản thân trong núi như vậy, tôi thật sự không thể lý giải được! Không biết huynh cần thứ gì, tôi nhất định sẽ đáp ứng yêu cầu của huynh”.

Bui Kham nói: “Tôi tuy rằng chỉ là một dân thường trên núi, nhưng tâm đã sớm gửi cho cánh hạc, mây bay. Làm sao tôi có thể giống như trong “Trang Tử” nói rằng chỉ một con chuột chết thối cũng dẫn tới sự vui buồn của mình đây? Mỗi người đều có chí hướng riêng, huynh hà tất phải khoe khoang những danh lợi phù phiếm bé nhỏ ấy với tôi? Tất cả mọi thứ của thế gian tôi đều có, huynh có thể tặng được tôi thứ gì đây? Ở phía Đông của lầu Thanh Viên có một vườn anh đào, đó chính là nhà của tôi. Sau khi làm xong việc công nếu có thời gian thì huynh có thể tới đó tìm tôi”.

Mười mấy ngày sau, Vương Kính Bá nhớ tới lời Bùi Kham bèn đi tới vườn anh đào tìm Bùi Kham. Tới trước cửa, Vương Kính Bá bước vào trong, đầu tiên thấy xung quanh bốn phía hoang lạnh nhưng càng đi thì cảnh sắc càng đẹp. Khi tiến đến một cửa lớn thì thấy bên trong trùng trùng lầu son các tía, hoa cỏ tươi tốt, dường như không phải là nơi ở của phàm nhân, cảnh sắc đẹp đẽ mỹ lệ vô vàn, ngút ngàn hương thơm bay theo gió khiến ngây ngất lòng người, cảm giác vô cùng dễ chịu, thân thể bồng bềnh giống như đang lơ lửng trên mây. Tâm trạng của Vương Kính Bá lúc này cũng thay đổi, cảm thấy việc làm quan thực sự không có ý nghĩa, bản thân ở nơi người thường vô cùng hèn mọn, so với người bạn đồng liêu năm xưa thì quả là thấp bé giống như con sâu cái kiến.

Không lâu sau nhìn thấy một người dáng vẻ đường hoàng trang nghiêm, ăn mặc hào hoa quý phái đi đến, Vương Kinh Bá vội vàng cúi đầu chào, khi nhìn lên thì ra là Bùi Kham. Bùi Kham nói: “Huynh làm quan tại nhân gian đã lâu, trong lòng đều là tham lam dục vọng, giống như cõng trên lưng một gánh nặng làm cho mỗi bước đi thật gian nan”. Bùi Kham mời Vương Kính Bá vào phòng khách, hết thảy mọi thứ vật phẩm đều không phải là thứ có ở nhân gian, bày biện ra toàn là cao lương mỹ vị mà Vương Kính Bá chưa từng được ăn bao giờ.

Bùi Kham nói với quản gia rằng: “Vương Kính Bá là bạn trên núi của ta thủa trước, do ý chí tu đạo không kiên định, nên đã bỏ lại ta xuống núi. Ly biệt đã 10 năm rồi, giờ ông ấy mới làm tới chức Đình Vệ, tâm hồn ông ấy đã hoàn toàn trở về phàm tục, chỉ có thể gọi nữ tử chốn nhân gian đến để mua vui cho ông ấy”. Bùi Kham bèn cho quản gia dùng thần thông đưa vợ của Vương Kính Bá là Triệu Thị cách đó mấy ngàn dặm tới chơi đàn mua vui cho ông ta.

Đến khi trời gần sáng, Bùi Kham cho quản gia đưa Triệu Thị trở về và nói rằng: “Sảnh đường này là Hoạ Đường ở tầng trời thứ chín, phàm nhân không thể tới đây được, nhưng Vương Kính Bá là bạn thời tu đạo trong quá khứ của ta, đáng thương cho ông ấy đã mê mờ vì những vinh hoa ở thế gian, bản thân cam tâm nhảy vào nơi nước sôi lửa bỏng, thông minh nhưng ngược lại bị thông minh hại cho lạc đường, mất bao công sức trù tính mưu kế rồi cuối cùng lại tự làm hại bản thân, từ đó mà đời đời kiếp kiếp trầm luân trong biển khổ không biết đâu là bến bờ, do vậy ta mới cố ý mời ông ấy đến đây, mong muốn rằng ông ấy sẽ tỉnh ngộ”.

Bùi Kham lại nói với Vương Kính Bá rằng: “Con đường trần thế dằng dặc xa xôi, con người tại thế gian thường sẽ có ngàn vạn nỗi lo sầu, mong rằng huynh luôn bảo trọng!” Vương Kính Bá bái tạ rồi từ biệt Bùi Kham. Năm ngày sau, Vương Kính Bá hoàn tất công việc và sửa soạn trở về kinh thành. Trước khi đi ông lại muốn tranh thủ đi tìm Bùi Kham để từ biệt. Nhưng khi tới vườn anh đào thì nhìn thấy đó chỉ là một vùng đất hoang um tùm cỏ dại, nên đành trở về, trong lòng vô cùng buồn khổ.

Hàng ngàn năm qua, vô số người đã khổ sở để tìm ý nghĩa nhân sinh chân thực của đời người. Kỳ thực, sinh mệnh vốn là Thần Tiên trên Thiên thượng, tất cả mục đích và ý nghĩa của đời người là phản bổn quy chân, trở về Thiên thượng làm Thần Tiên, nơi đó mới là gia viên chân chính của bản thân mình. Nhưng một khi bị rơi vào vực sâu của chốn hồng trần, con người sẽ dễ dàng bị quên mất gia viên đẹp đẽ mỹ hảo của bản thân mình, giống như Vương Kính Bá kia truy cầu quyền quý, tham luyến hồng trần mà ngộ nhận nơi tha hương giả tạm là cố hương của mình. Vì những ham muốn dục vọng và ích kỷ mà tranh tranh đấu đấu, trong hồng trần cuồn cuộn mà tạo vô số tội nghiệp, mãi mãi phiêu dạt bất tận trong bể khổ luân hồi sinh tử. Vinh hoa phú quý bất quá cũng chỉ là mây bay gió thoảng, bữa tiệc đời người rồi cũng đến lúc kết thúc, nhạc hết người đi dạt khắp chốn, hết thảy đều bỏ lại phía sau. Nếu như con người quên mất nơi trở về của sinh mệnh và mục đích đến thế gian của bản thân, thì đó sẽ là nỗi đau buồn thống khổ lớn nhất của cuộc đời mà không lời nào diễn tả được.

Hôm nay, Pháp Luân Đại Pháp đã hồng truyền tại thế gian, từ bi cứu độ chúng sinh, cấp cho con người thế gian một con đường duy nhất để phản bổn quy chân, tu luyện đề cao cảnh giới sinh mệnh để quay trở về. Đó là hạnh phúc của người tu luyện và sự ngưỡng mộ của các chư thần. Sinh mệnh trải qua hàng ngàn vạn năm luân hồi đều là để chờ đợi ngày hôm nay đắc được Đại Pháp. Sinh ra trong thời đại thịnh thế khi Đại Pháp của vũ trụ hồng truyền nhưng lại để trôi qua mất, đó mới là hối hận và bi ai lớn nhất của đời người. Cơ duyên chỉ chớp mắt là qua, ngàn vạn lần hy vọng bạn đừng để lỡ mất cơ duyên vạn cổ này!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/38796



Ngày đăng: 28-11-2006

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.